Chế định quản tài viên theo luật phá sản 2014 – pháp luật và thực tiễn

Thứ năm - 05/10/2017 22:33
Luật phá sản 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 với nhiều điểm thay đổi so với Luật phá sản 2004 nhằm tạo cơ chế pháp lý giải quyết những bất cập trong thủ tục phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, liệu những thay đổi này có phải là điểm tiến bộ vượt bậc và giải quyết được những vướng mắc về thủ tục mà doanh nghiệp hi vọng?
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật phá sản 2014 chính là chế định quản tài viên trong thủ tục quản lý, thanh lý tài sản. Đã gần 02 năm áp dụng Luật mới nhưng việc thực thi chế định này thật sự còn là trăn trở của thẩm phán, quản tài viên, doanh nghiệp và cả nhà lập pháp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khái quát các quy định liên quan đến quản tài viên và một số vấn đề thực tiễn khi áp dụng chế định này.
 
Luật sư Tô Đình Huy
  1. Chế định quản tài viên trong thủ tục quản lý, thanh lý tài sản
Tổ quản lý tài sản, Tổ thanh toán tài sản (Luật phá sản 1993); Tổ quản lý và thanh lý tài sản (Luật phá sản 2004) thực hiện chức năng quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Luật phá sản 2014 lần đầu tiên quy định chủ thể thực hiện chức năng nêu trên bao gồm cá nhân: quản tài viên. Chế định này được xây dựng dựa trên điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam với sự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong việc giải quyết phá sản ở Việt Nam.

Khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản”. Theo đó, cùng với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì Quản tài viên là chủ thể được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Quản tài viên có thể hành nghề với tư cách cá nhân hoặc thông qua doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Để có cơ chế đảm bảo thực thi chức năng của Quản tài viên, Luật phá sản 2014, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP có nhiều quy định về điều kiện hành nghề, quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý của Quản tài viên, cụ thể:
 
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Dung
 



Về điều kiện hành nghề
Để trở thành Quản tài viên, cá nhân phải được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên. Đối tượng có thể được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên bao gồm: Luật sư, Kiểm toán viên hoặc người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực đào tạo[1]. Trên thực tế, các đối tượng đang hành nghề nêu trên không mặn mà với việc kiêm thêm công việc quản lý, thanh lý tài sản cho doanh nghiệp chuẩn bị phá sản bởi mức thù lao được hưởng không đủ sức hút, trong khi đó phải thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, muốn tham gia vào một vụ việc phá sản cụ thể, quản tài viên phải có đề xuất chỉ định của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản, bản thân Quản tài viên không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản[2]. Người thân thích trong phạm vi chế định này chưa được pháp luật phá sản điều chỉnh.

Về quyền và nghĩa vụ của quản tài viên
Điều 16 LPS 2014 quy định các nhóm quyền và nghĩa vụ đối với quản tài viên như sau:
i. Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, cụ thể:
- Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để giám sát, phát hiện, yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu kể từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản;
- Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ để kiểm tra tính chính xác trong thông tin doanh nghiệp, người nộp đơn cung cấp và báo cáo tại Hội nghị chủ nợ;
- Bảo quản tài sản, ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
- Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật.
ii. Tham gia thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bao gồm việc tổ chức định giá, thanh lý tài sản, gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng và báo cáo cơ quan Thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc thanh lý tài sản.
iii. Đại diện cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này Quản tài viên còn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản.
iv. Hưởng thù lao theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ sở xác định thù lao của Quản tài viên không thực sự rõ ràng khi quy định căn cứ vào: thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên. Luật còn quy định: đối với trường hợp đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản thì Thẩm phán và Quản tài viên thỏa thuận mức thù lao nhưng lại không đề cập căn cứ để thỏa thuận; đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì mức thù lao của Quản tài viên được tính theo tỉ lệ phần trăm dựa trên tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã thu được sau khi thanh lý. Với quy định như nêu trên, việc xác định thù lao cho quản tài viên là rất khó khăn, hoặc là Thẩm phán và quản tài viên đồng thuận thu tiền chi phí phá sản cao để trả thù lao quản tài viên cao, hoặc không thể đi đến thống nhất dẫn đến vụ việc bị kéo dài,…
Ngoài quyền hạn nêu trên, những hành vi quản tài viên bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015. Đồng thời, Luật phá sản 2014 cũng quy định về trách nhiệm pháp lý của Quản tài viên khi vi phạm pháp luật về phá sản, bao gồm các chế tài: xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, xử lý hình sự.[3]

2.Thực tiễn áp dụng

Theo thống kê gần nhất được đề cập tại buổi tọa đàm ngày 08/6/2016 do Bộ tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nhằm thảo luận những vướng mắt trong quá trình triển khai thực hiện Luật phá sản 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP thì Bộ đã cấp chứng chỉ cho gần 700 quản tài viên và 10 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm này, dưới góc nhìn của Tòa án và quản tài viên thì hiện nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc pháp lý trong quá trình áp dụng chế định quản tài viên, trong đó tập trung vào các vấn đề: chỉ định, thay đổi quản tài viên, giám sát hoạt động, yêu cầu quản tài viên báo cáo; giám sát quản lý hồ sơ vụ việc và chi phí.[4] Đó là lý do dẫn đến việc những quản tài viên, doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng thực tế không hành nghề hoặc có hoạt động nhưng không hiệu quả.

Nguyên nhân khác của việc chế định chưa phát huy hết vai trò trên thực tiễn chính là quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề: phức tạp trong thủ tục nhưng lại chưa có cơ chế đánh giá năng lực của người hành nghề.

Liên quan đến quy trình, thủ tục để hành nghề quản tài viên: hiện nay thủ tục hành chính vẫn còn là vấn đề cản trở việc thực hiện hoạt động của quản tài viên. Theo đó, pháp luật quy định để có thể hành nghề quản tài viên phải thực hiện các thủ tục sau: (i) Cá nhân phải nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên tới Bộ Tư pháp; (ii) Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, Quản tài viên phải nộp hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú; (iii) Sở Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên tại địa phương; Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách Quản tài viên trên phạm vi toàn quốc trên Cổng thông tin điện tử; (iv) Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản ban hành văn bản chỉ định Quản tài viên và gửi cho Quản tài viên được chỉ định; (v) Quản tài viên gửi văn bản thông báo tham gia vụ việc cho Thẩm phán, sau đó tham gia quản lý, thanh lý tài sản cho doanh nghiệp đã được chỉ định. Thủ tục này làm cho những người muốn trở thành quản tài viên phải e ngại.

Về cơ chế đánh giá năng lực: quản tài viên được xem như một ngành nghề mới có điều kiện là phải có chứng chỉ trước khi hoạt động. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá năng lực của người hành nghề để cấp chứng chỉ lại phụ thuộc vào tiêu chuẩn của những ngành nghề khác như: luật sư, kiểm toán viên, ngân hàng, tài chính, kinh tế,… Rõ ràng những tiêu chuẩn của các ngành nghề này không thống nhất nên không thể hiện được năng lực quản tài viên có phù hợp với bản chất công việc họ đảm nhiệm hay không. Năng lực quản tài viên là yếu tố quyết định hiệu quả quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp – khâu mấu chốt trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Do đó, xét thấy cần thiết phải xây dựng cơ chế và tiêu chí cụ thể đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề cho quản tài viên phù hợp với đặc thù công việc, nâng cao tính thực thi.

Như phần đầu đã đề cập về nền tảng xây dựng chế định quản tài viên là từ sự tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trong thực tiễn áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tổ chức học hỏi kinh nghiệm thực tế. Trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động hợp tác giữa TAND tối cao Việt Nam và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), IFC đã tổ chức chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại Vương quốc Anh từ ngày 05 - 11/7/2015 nhằm tìm hiểu kinh nghiệm và thực tiễn phá sản, chế định Quản tài viên và hoạt động cụ thể của Quản tài viên trong thủ tục phá sản tại Vương quốc Anh. Chuyến đi được đánh giá là thành công.[5] Tuy nhiên, hiệu quả của chuyến đi đối với thực tiễn Việt Nam là vấn đề cần chờ đợi.

Với những hạn chế nêu trên, các doanh nghiệp phá sản sẽ còn tiếp tục đợi. Các doanh nghiệp trước đây đã thành lập tổ quản lý, thanh lý tài sản theo theo quy định của Luật phá sản 2004, đã tiến hành kiểm kê tài sản nhưng bây giờ phải đợi thực hiện theo chế định quản tài viên. Riêng chế định quản tài viên như nêu trên hiện nay hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Đã gần 02 năm kể từ ngày áp dụng Luật phá sản 2014 cũng là quãng thời gian các doanh nghiệp phải đợi và tiếp tục đợi chế định này hoàn thiện cả mặt lập pháp và thực tiễn. Các doanh nghiệp vẫn còn phải boăn khoăn liệu Luật phá sản 2014 có tháo gỡ được vấn đề “sống” không được mà “chết” cũng không xong của các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán? Hi vọng những hướng dẫn hoàn thiện hơn và đảm bảo tính thực thi trong thời gian tới.



[1] Điều 12 Luật phá sản 2014
[2] Điều 45 Luật phá sản 2014
[3] Điều 129 Luật Phá sản 2014
[4] http://www.sggp.org.vn/phapluat/2016/6/423572/
[5]http://tdkt.toaan.gov.vn/portal/pls/portal/SHARED_APP.UTILS.print_preview?p_page_url=http%3A%2F%2Ftdkt.toaan.gov.vn%2Fportal%2Fpage%2Fportal%2Ftandtc%2F299083&p_itemid=110952832&p_siteid=60&p_persid=3391632&p_language=us

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Chế định quản tài viên theo luật phá sản 2014 – pháp luật và thực tiễn nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Chế định quản tài viên theo luật phá sản 2014 – pháp luật và thực tiễn chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com

Tác giả: Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy, Nguyễn Thị Ngọc Dung

 Tags: phá sản

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây