Chế tài phạt vi phạm hợp đồng nhìn từ một số vụ tranh chấp

Thứ hai - 07/04/2025 06:01
Trong các giao dịch thương mại, việc một trong các bên vi phạm hợp đồng là thường xuyên trong bối cảnh thị trường và kinh tế có nhiều biến động. Hầu hết trong các hợp đồng, các bên đều quy định về việc phạt vi phạm hợp đồng. Khi xảy ra sự kiện vi phạm, các bên sẽ căn cứ quy định trong hợp đồng để xử lý. Tuy nhiên, việc các bên không thống nhất trong cách hiểu, áp dụng cũng như thỏa thuận giải quyết mà phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp rất dễ xảy ra. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi chọn lọc và giới thiệu một số vụ việc điểm hình để hiểu rõ hơn về việc áp dụng pháp luật đối với chế tài vi phạm hợp đồng trong giải quyết tranh chấp.
Tranh chap phat vi pham hop dong
Tranh chap phat vi pham hop dong
Vụ việc số 1: “Bản án số 05/2014/KDTM-ST về việc tranh chấp hợp đồng mua bán gỗ”
  • Thỏa thuật phạt trong hợp đồng: 10% giá trị hợp đồng nếu không giao hàng đúng hẹn; 8% giá trị hợp đồng theo luật thương mại
  • Yêu cầu phạt của nguyên đơn tại Tòa: 10% giá trị hợp đồng nếu không
  • giao hàng đúng hẹn; 8% giá trị hợp đồng theo luật thương mại
  • Phán quyết của Tòa về yêu cầu phạt: Không chấp nhận vì nguyên đơn không chứng minh được lỗi của bị đơn và mức phạt vi phạm vượt quá quy định của Luật thương mại.
Tóm lược vụ việc:
“Ngày 25/5/2013 ông Nguyễn Văn V và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ PL ký hợp đồng mua bán hàng hóa là gỗ tràm. Theo ông V (phía nguyên đơn) trình bày thì sau khi ký hợp đồng ông có đặt cọc 30.000.000 đồng, thời gian giao hàng là 06 ngày.

Sau đó 02 ngày sau ông V đến kiểm tra thì gỗ cưa không đúng quy cách, hai bên lời qua tiếng lại nên ông V yêu cầu trả tiền cọc 30.000.000 đồng, công ty PL nói ông V đưa số tài khoản để chuyển trả tiền nhưng lại không trả và nói chưa đến ngày giao hàng. Đến ngày thứ 6 phải giao hàng thì phía đối tác của ông V đưa container đến nhưng không có hàng nên ông V phải bồi thường cho đối tác và bỏ chuyến hàng không làm được.  Ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc PL trả lại cho ông tiền cọc 30.000.000 đồng, phạt giao hàng không đúng hạn là 10% giá trị hợp đồng, phạt 8%   giá trị hợp đồng theo Luật thương mại. Ngoài ra phía công ty PL còn phải trả cho ông tiền lãi chậm trả tính từ ngày giao tiền đến ngày Tòa xét xử với lãi suất 1,5% /tháng và một khoản tiền bồi thường thiệt hại do không có hàng giao cho đối tác. Tuy nhiên việc thu thập chứng cứ để tính bồi thường thiệt hại là khó khăn vì đối tác của ông V đang ở nước ngoài.
Công ty TNHH PL (phía bị đơn) thừa nhận có ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa (mặt hàng gỗ tràm) số 001/2013/ ĐMBG ngày 25/5/2013, trong hợp đồng có thỏa thuận 06 ngày giao hàng. Tuy nhiên đến ngày do trời mưa nên chưa cưa kịp, công ty PL có cử người dẫn ông V đến xưởng để xem gỗ có đúng quy cách không và ký xác nhận quy cách nhưng ông V không ký và không nhận hàng do ông V nói gỗ làm không đúng quy cách. Ông V không tới nhận hàng nên công ty cũng phải bán rẻ số gỗ ấy cho người khác.
Tòa án xét thấy rằng công ty PL không vi phạm hợp đồng, việc ông V nói rằng gỗ làm sai quy cách là không có căn cứ vì trong hợp đồng mua bán giữa hai bên không có quy định về quy cách của gỗ. Do vậy Tòa không chấp nhận yêu cầu của ông V về việc buộc công ty PL phải trả lại số tiền đặt cọc là 30.000.000 đồng, không chấp nhận việc ông yêu cầu số tiền phạt giao hàng không đúng hạn là 10% giá trị hợp đồng và 8%  giá trị hợp đồng theo Luật Thương mại, mức phạt 10% là vượt quá quy định của Luật Thương mại, bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông V cho bên thứ ba do không đủ chứng cứ.
2. Vụ việc số 2: “Bản án số 07/2012/KDTM-ST về tranh chấp hợp đồng mua bán thiết bị”
  • Thỏa thuật phạt trong hợp đồng: Nguyên đơn cho rằng các bên đã thỏa thuận phạt 0,5% giá trị phần tiền thanh toán chậm/tuần
  • Yêu cầu phạt của nguyên đơn tại Tòa: 8% giá trị nghĩa vụ bị vi phạm
  • Yêu cầu phạt của bị đơn tại Tòa: 0,5% giá trị phần tiền thanh toán chậm/tuần
  • Phán quyết của Tòa về yêu cầu phạt: Không chấp nhận vì cho rằng các bên không thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.
Tóm lược vụ việc:
“Công ty TNHH  kỹ thuật dịch vụ SCT (nguyên đơn) và công ty TNHH một thành viên đóng tàu M-A (bị đơn) có kí hợp đồng kinh tế số 17-HĐKT/KHTV/2007 ngày 31/5/2007 và phụ lục hợp đồng số 17 về việc mua bán các thiết bị gồm 4 hộp số thủy hiệu TWINDISC Model MG-

514C và 2 máy phát điện hiệu Paragon, Model PADE 30. Theo phụ lục hợp đồng, công ty M-A đề nghị tháo bộ ly hợp số lùi của hộp số thủy hiệu TWINDISC Model MG-514C số lượng 04 cái, tổng giá trị là 16.000.000 đồng. Công ty SCT đã thực hiện đúng hợp đồng và phụ lục hợp đồng, đã bàn giao đầy đủ các thiết bị theo đúng các thông số kỹ thuật. Hai bên cùng xác lập, ký nhận thiết bị kỹ thuật và có biên bản bàn giao ngày 11/12/2007 và ngày 10/3/2008, biên bản giao nhận chứng từ ngày 10/3/2008. Tổng giá trị hợp đồng là 2.984.970.609 đồng.
Công ty M-A thanh toán cho công ty SCT nhiều lần, cụ thể:
+ Ngày 06/6/2007 thanh toán 557.090.130 đồng
+ Ngày 07/12/2007 thanh toán 1.425.232.187 đồng
+ Ngày 05/3/2008 thanh toán 402.140.493 đồng
+ Ngày 18/12/2009 thanh toán 500.000.000 đồng
Tổng cộng là 2.884.462.810 đồng. Như vậy công ty M-A còn nợ tiền gốc là 100.507.799 đồng. Công ty SCT cho rằng căn cứ theo điều IV của  hợp đồng thì công ty M-A đã vi  phạm  phương thức và nghĩa vụ thanh toán. Theo đó công ty M-A bị phạt 0,5% giá trị phần tiền thanh toán chậm cho mỗi tuần, cụ thể từ ngày 10/3/2008 đến ngày 21/12/2009 là 600.507.799 đồng x 0,5% x 93 tuần. Tuy nhiên, công ty SCT nhận thấy mức phạt này cao hơn so với quy định tại Điều 301 LTM 2005 nên muốn thay đổi yêu cầu cho phù hợp, cụ thể là: 600.507.799 x 8% giá trị phần bị vi phạm = 48.040.624 đồng. Ngoài ra, công ty SCT còn yêu cầu công ty M-A phải trả tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 18/3/2008 đến ngày 10/4/2012.
Phía công ty M-A phản tố lại rằng: công ty M-A đã trúng thầu đóng mới phà 200T – bến phà Cần Thơ cho Khu quản lý đường bộ VII. Việc hợp tác với công ty SCT là lựa chọn bắt buộc vì công ty SCT là đại lý độc quyền cung cấp thiết bị được chỉ định tại hồ sơ mời thầu. Theo hợp đồng số
17-HĐKT/KHTV/2007 ngày 31/5/2007 kí kết giữa hai công ty, thời hạn giao hàng là từ 5-6 tháng sau khi ký hợp đồng và nhận được tiền tạm ứng. Ngày 06/6/2007, công ty M-A đã tạm ứng đợt 1 là 557.090.130 đồng, điều này đồng nghĩa với thời hạn giao hàng cuối cùng sẽ không quá ngày 06/12/2007. Tuy nhiên, đến ngày 10/3/2008, công ty SCT mới hoàn tất việc giao hàng, trễ 95 ngày so với tiến độ quy định. Bên cạnh đó, việc công ty M-A chậm thanh toán hoàn toàn do lỗi khách quan và có phần lỗi của công ty SCT vì các nguyên nhân:
+ Số tiền mua hàng phải thanh toán cho công ty SCT đã được công ty M-A bố trí nguồn tín dụng ngay khi ký hợp đồng, thể hiện qua việc công ty M-A đã thanh toán đến 80% giá trị hợp đồng. Chính vì công ty SCT giao hàng chậm hơn 03 tháng nên bộ hồ sơ thanh toán đợt cuối bị ngân hàng từ chối vì đã hết hạn giải ngân.
+ Đơn vị Chủ đầu tư là Khu quản lý đường bộ VII do gặp khó khăn về vốn nên đến thời điểm ngày 18/12/2009 vẫn còn nợ công ty M-A trên 1.800.000.000 đồng. Trước đó, ngày 21/01/2009 Khu quản lý đường bộ VII đã có công văn giải thích về nguyên nhân chậm thanh toán và không thể hỗ trợ lãi trả chậm cho các nhà thầu thi công.
Công ty M-A yêu cầu công  ty  SCT chịu phạt vi  phạm về thời gian giao hàng số tiền là: 2.984.970.609 đồng x 0,5% giá trị hợp đồng x 14 tuần = 208.947.943 đồng. Công ty M-A cũng không đồng ý với yêu cầu của công ty SCT về tiền phạt vi phạm và tiền lãi. Công ty M-A cũng thừa nhận còn nợ công ty SCT tiền nợ gốc là 100.507.799
Qua các tài liệu chứng cứ, tòa án xét thấy công ty công ty TNHH M-A chậm thanh tóa một phần là do lỗi của công ty SCT, số tiền nợ gốc mà công ty M-A phải trả công ty SCT là 100.507.799 đồng. Công ty M-A phải thanh toán cho công ty SCT khoản tiền này cùng với tiền lãi chậm trả tính đến ngày 10/4/2012 là 136.100.336 đồng.
Việc công ty SCT (nguyên đơn) yêu cầu công ty M-A chịu phạt vi phạm là 8% giá trị nghĩa vụ vi phạm và công ty M-A (bị đơn) yêu cầu công ty SCT chịu phạt vi phạm là 0,5% giá trị phần thanh toán chậm/tuần bị tòa bác bỏ vì trong hợp đồng các bên không có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm.”
Như vậy có thể thấy, trong thực tiễn áp dụng chế tài phạt vi phạm có rất nhiều tình huống xảy ra như quy định mức phạt cao hơn so với mức 8%, không có quy định về thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng nhưng khi có tranh chấp lại đòi phạt vi phạm…Đến khi ra tòa thì tòa căn cứ theo quy định của Luật Thương mại là phạt vi phạm phải có thỏa thuận trong hợp đồng và mức phạt không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, bởi vậy yêu cầu phạt vi phạm của các bên không đúng với quy định của luật sẽ bị bác bỏ. Do vậy khi trước khi giao kết hợp đồng, các bên phải chú ý áp dụng luật cho đúng để không bị thiệt khi có tranh chấp xảy ra.


>> Xem thêm: Tư vấn khởi kiện tranh chấp thương mại

Tác giả: LS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây