Tranh chấp sính lễ cưới được tặng cho trước đăng ký kết hôn

Thứ ba - 11/03/2025 23:03
Trong xã hội hiện nay, không ít cặp đôi nhận được tài sản tặng cho riêng vào thời điểm trước khi đăng ký kết hôn, đặc biệt là vào ngày đính hôn. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp về tài sản sau ly hôn, câu hỏi đặt ra là liệu những tài sản này có được coi là tài sản riêng của người nhận hay sẽ bị xác định là tài sản chung của vợ chồng? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phân định tài sản riêng và tài sản chung chịu sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn liên quan. Việc xác định bản chất của tài sản được tặng cho vào thời điểm trước ngày đăng ký kết hôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý chí của người tặng cho, thời điểm xác lập quyền sở hữu và cách thức quản lý, sử dụng tài sản sau hôn nhân. Sau đây, Văn phòng luật sư Tô Đình Huy sẽ phân tích vấn đề trên thông qua Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT.
tranh chấp sinh lễ cưới được tăng cho trước đăng ký kết hôn
tranh chấp sinh lễ cưới được tăng cho trước đăng ký kết hôn
Mục lục

1. Tóm tắt Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT

*Nguyên đơn: Anh Ngô Anh D (gọi tắt là anh D)
*Bị đơn: Chị Lê Kim P (gọi tắt là chị P)
Tóm tắt nội dung:
Vào khoảng tháng 8 năm 2014, anh D và chị P có tổ chức lễ đính hôn (lễ hỏi). Tại thời điểm này, cả hai bên đều chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Đồng thời tại buổi lễ, nhà trai (gia đình anh D) đã cho chị P trong ngày đính hôn với số vàng là 30 chỉ vàng 24K. Đến ngày 12/3/2016, cả hai mới đăng ký kết hôn tại UBND phường P, quận O. Đến khoảng tháng 3/2017 thì phát sinh nhiều mâu thuẫn nên anh D quyết định ly hôn. Anh nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn ra Tòa án, đồng thời yêu cầu Tòa án chia tài sản chung là 03 lượng vàng 24K (99,99%), gồm: 01 đôi bông tai 01 chỉ, 01 chiếc lắc 01 lượng, 01 chiếc kiềng 05 chỉ, 01 dây chuyền 01 lượng và 01 chiếc vòng 04 chỉ.
Chị D cũng chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh D. Tuy nhiên, chị không chấp nhận đối với yêu cầu chia tài sản chung là số vàng 24K như trên. Lý do chị đưa ra đó là số vàng này là chị được nhà trai tặng cho riêng tại lễ Đính hôn, thời điểm đó chị và anh D chưa đăng ký kết hôn, nên về mặt pháp luật anh D và chị chưa phải là vợ chồng. Do đó, số tài sản trên là của chị có được trước thời kỳ hôn nhân, là tài riêng của chị.

 

2. Hướng giải quyết của Tòa án

- Thứ nhất, theo phong tục tập quán đã có từ trước đến nay thì kể từ ngày tổ chức lễ đính hôn (lễ hỏi) trở về sau (mặc dù có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật hay chưa) thì mặc nhiên cô dâu chú rễ trong lễ hỏi sẽ được mọi người công nhận là vợ chồng;
- Thứ hai, số vàng chị P được tặng phải được hiểu là tài sản mà cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình về sau;
- Thứ ba, chị P không đưa ra được chứng cứ nào có giá trị pháp lý để chứng minh số vàng được tặng là tài sản riêng của mình.
=> Do đó, các căn cứ trên đã đủ cơ sở để Tòa án bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn – chị Lê Kim P, đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn là anh D về việc chia tài sản chung là 30 chỉ vàng được tặng cho cô dâu vào ngày lễ hỏi.

 

3. Cơ sở pháp lý

Khoản 5 Điều 3, Điều 7, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (gọi tắt là Luật HNGĐ).
 

4. Phân biệt tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng

Xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được Bộ luật dân sự 2015 quy định khá chặt chẽ, ngoài ra còn có một số quy định mở giúp Tòa án có thể đưa ra phán quyết công bằng, hợp lẽ hơn. Tài sản chung của vợ chồng là thuộc sở hữu chung nhất, được dùng để đảm bảo nhu cầu của vợ chồng, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tài sản chung bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
- Ngoài ra, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tương tự, đối với tài sản riêng, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể tại Điều 43 bao gồm:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng;
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, luật cũng đã đưa ra các quy định về việc phân biệt đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng cũng như thời điểm xác định tài sản chung và tài sản riêng. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều tình huống xảy ra khác nhau dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng và xảy ra tranh chấp khi ly hôn phân chia tài sản. Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT là một minh chứng.
 

5. Nhận xét giải quyết tranh chấp sính lễ cưới trước khi đăng ký kết hôn.

Khái niệm của một quan hệ vợ chồng được xác định theo Điều 3 Luật HNGĐ như sau:
“5. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Theo Luật HNGĐ, kết hôn không chỉ là sự kiện mang ý nghĩa cá nhân và gia đình mà còn là một quan hệ pháp lý được Nhà nước công nhận và bảo vệ. Việc kết hôn chỉ hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Điều 8 Luật HNGĐ, bao gồm độ tuổi kết hôn (nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi), sự tự nguyện của cả hai bên, không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn như cận huyết thống, đang có vợ/chồng hợp pháp hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, hôn nhân chỉ được coi là hợp pháp khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên.
Văn phòng luật sư Tô Đình Huy xác định vấn đề được đặt ra trong Bản án số 23 như trên đó là: Thời kì hôn nhân được tính từ thời điểm làm đám cưới hay từ khi cả hai đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền?
Theo quy định của Luật HNGĐ, hai bên nam nữ được xem là vợ chồng kể từ thời điểm họ đăng ký kết hôn. Như vậy, quan hệ vợ chồng theo Luật HNGĐ đảm bảo các tính chất pháp lý như tính hợp pháp, tính tự nguyện và bình đẳng giữa vợ, chồng. Tuy nhiên, theo Điều 7 của Luật HNGĐ có quy định về việc áp dụng tập quán như sau:
“ Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng.”
Hình 1 Trích bản án số 23:2017
Trích trình bày của người làm chứng phần Nội dung vụ án từ Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT
Theo nội dung Bản án số 23/20217/HNGĐ-PT, lễ Đính hôn hay lễ nói, lễ cưới là một tập quán, truyền thống lâu đời của người dân địa phương, là nghi thức quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, đánh dấu sự cam kết chính thức giữa hai bên nam nữ trước khi tiến đến hôn nhân. Nhưng dưới góc độ pháp lý, lễ đính hôn, lễ hỏi, lễ cưới không phải là điều kiện bắt buộc để xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp. Chỉ khi hai bên nam nữ thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thì quan hệ vợ chồng mới được pháp luật công nhận. Trong những trường hợp như vậy, xét về mặt thực tiễn, Tòa án thường sẽ xem xét dưới góc độ quan hệ tài sản để giải quyết khi có tranh chấp thay vì xem xét dưới góc độ quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Hình 2 Trích bản án số 23:2017
Trích mục [3] phần Nhận định của Tòa án từ Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT

Một trong những hệ quả pháp lý quan trọng của hôn nhân là chế độ tài sản chung vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân được hiểu theo Luật HNGĐ như sau:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Theo Điều 33 Luật HNGĐ 2014, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân từ thu nhập lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng, cũng như tài sản được tặng cho chung hoặc thừa kế chung. Ngoài ra, tài sản chung còn có thể được xác lập thông qua thỏa thuận của vợ chồng. Về nguyên tắc, tài sản chung thuộc sở hữu chung hợp nhất, cả hai vợ chồng đều có quyền bình đẳng trong quản lý, sử dụng và định đoạt. Trong trường hợp ly hôn, tài sản chung sẽ được chia theo nguyên tắc thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án, đảm bảo sự công bằng và tính đến các yếu tố đóng góp của mỗi bên.
Từ nội dung, tình tiết vụ việc, 30 chỉ vàng 24K được đề cập trong Bản án là quà cưới do nhà trai (gia đình anh D) tặng cho hai vợ chồng để làm của cải xây dựng hạnh phúc gia đình về sau. Đồng thời, chị P cho rằng 30 chỉ vàng 24K là tài sản riêng của chị nhưng không đưa ra được chứng cứ nào có giá trị pháp lý để chứng minh cho lời trình bày của mình. Do đó đủ căn cứ để xem đây là tài sản chung của hai người mà không phải tài sản thuộc sở hữu riêng của chị D.
Hình 3 Trích bản án số 23:2017
Trích phần Nội dung vụ án từ Bản án số 23/2017/HNGĐ-PT

Không xét dưới góc độ quan hệ hôn nhân hợp pháp, xét theo dưới góc độ quan hệ tài sản, Tòa án có căn cứ để chấp nhận yêu cầu  chia số vàng của anh D, với lý do đây là tài sản chung của hai anh chị.
Tóm lại, theo quy định của Luật HNGĐ, thời kỳ hôn nhân chỉ được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc hai bên đã tổ chức lễ cưới hay chưa. Mặc dù đám cưới có ý nghĩa quan trọng về mặt phong tục, nhưng nếu không có giấy chứng nhận kết hôn hợp pháp, quan hệ giữa hai bên không được coi là quan hệ hôn nhân theo pháp luật. Điều này nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của cả hai bên trong các vấn đề liên quan đến tài sản, con cái và nghĩa vụ pháp lý. Vì vậy, để tránh những tranh chấp không đáng có, các cặp đôi cần thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký kết hôn, vừa đảm bảo quyền lợi cá nhân vừa tuân thủ đúng quy định pháp luật.


Trên đây là những phân tích về tranh chấp sinh lễ cưới trước khi đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, ngoài những tình huống trên, khi thực hiện ly hôn để đảm bảo quyền lợi ích của mình, cũng như có thể hoàn thành nhanh chóng thủ tục thì chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

* Lưu ý: Các thông tin về bán án của bài viết được lấy từ nguồn “congbobanan” và đã được mã hóa dữ liệu. Đồng thời, bài viết trên nhằm chia sẻ thêm kiến thức pháp luật cho người đọc, các nhận xét, đánh giá đều dựa trên quan điểm và học thuật không nhằm mục đích công kích hay bảo vệ cho bất cứ chủ thể nào. 

Tác giả: Quyên Phạm Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây