ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG CỦA VIỆT KIỀU TẠI VIỆT NAM

Thứ năm - 20/02/2025 02:14
Việt kiều (hay còn gọi là người Việt Nam định cư nước ngoài) là công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam và/hoặc mang quốc tịch tại quốc gia họ đang sinh sống. Khi quay về làm việc tại Việt Nam thì họ thuộc diện áp dụng điều kiện lao động như thế nào? Dựa trên bản án số 06/2023/LĐ-PT, bài viết sẽ đưa ra các phân tích giúp hiểu rõ vấn đề.
 
Điều kiện lao động của Việt Kiều tại Việt Nam
Điều kiện lao động của Việt Kiều tại Việt Nam
Mục lục

1. Tóm tắt bản án số 06/2023/LĐ-PT

* Nguyên đơn: Bà Dư Bảo N (gọi tắt là bà N)
* Bị đơn: Công ty Cổ phần Giải trí Làng Phố (gọi tắt là Công ty LP)
Tóm tắt nội dung vụ án:
Bà N là Việt Kiều, sinh sống tại Hoa Kỳ. Bà sử dụng hộ chiếu của Hoa Kỳ để nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, bà N đã ký liên tiếp 03 hợp đồng lao động với Công ty LP lần lượt vào các ngày 04/3/2014, 04/6/2012 và ngày 04/9/2014 theo hộ chiếu là công dân Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam. Ngày 25/02/2015, Công ty LP đã ban hành các thông báo với nội dung về việc hợp đồng thời vụ giữa bà N và công ty sẽ kết thúc đúng thời hạn. Đến ngày 11/5/2015, bà N kiện Công ty LP về việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với lý do là vi phạm quy định về thời gian báo trước. Đồng thời, bà yêu cầu Tòa án buộc Công ty LP nhận bà trở lại làm việc; trả tiền lương những ngày bà không được làm việc theo hợp đồng lao động và bồi thường các khoản tiền tương ứng.
Tuy nhiên, bị đơn là công ty LP không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Vì công ty cho rằng, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì buộc phải có giấy phép lao động. Do đó, bị đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Hướng giải quyết của Tòa án

  • Thứ nhất, Tòa án xác định bà N là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Do đó, để được ký hợp đồng lao động với  Công ty giải trí LP, bà N phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019;
  • Thứ hai, Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm, xác định hợp đồng lao động giữa bà N và Công ty LP là vô hiệu và xử bác các yêu cầu khởi kiện của bà N đòi buộc công ty nhận bà trở lại làm việc; trả lương những ngày bà không được làm việc và bồi thường các khoản tiền tương ứng.
⇒ Qua quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc, Tòa án không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Dư Bảo N cho rằng Công ty LP phải nhận bà trở lại làm việc và thanh toán cho bà các khoản tiền.

3. Điều kiện lao động của Việt Kiều tại Việt Nam

Trước tiên căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 giải thích:
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”
Theo từ ngữ thông thương mà người dân sử dụng thì Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được gọi là Việt Kiều, họ là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống ở nước ngoài. Họ có thể vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam và/hoặc mang quốc tịch quốc gia họ sinh sống.
Như vậy đối với trường hợp Việt Kiều vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam thì vẫn làm việc bình thường như người Việt Nam;
Còn đối với trường hợp Việt Kiều mang quốc tịch nước ngoài thì cần phải áp dụng các điều kiện lao động đối với người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động 2019 bao gồm:
  • Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
  • Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
Như vậy, cần tùy thuộc vào từng tình huống để áp dụng các quy định phù hợp với quy định pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.

4. Thực tiễn áp dụng từ Bản án 06/2023/LĐ-PT

Dựa trên nội dung bản án, bà N được xác định là người Việt Nam định cư tại nước ngoài (Việt Kiều), có hai hộ chiếu: một hộ chiếu của Hòa Kỳ và một hộ chiếu của Việt Nam quay trở về và ký hợp đồng làm việc tại Việt Nam. Vậy thì vấn đề đặt ra: Việt Kiều có cần xin giấy phép lao động để làm việc tại Việt Nam không?
Bản án số 06/2023/LĐ-PT đã áp dụng Bộ luật lao động 2012 để giải quyết vụ việc, tuy nhiên nhằm mục đích cập nhật pháp luật, ứng dụng vào thực tiễn hiện nay nên bài viết hướng đến áp dụng Bộ luật lao động 2019 và những văn bản có hiệu lực pháp luật ở thời điểm hiện tại với những phân tích như sau:
  • Bản án nêu rõ Bà N nhập cảnh hai lần và đều sử dụng hộ chiếu Hoa Kỳ vào Việt Nam, tuy nhiên khi ký hợp đồng lao động thì lại sử dụng hộ chiếu Việt Nam. Điều này được ghi rõ trong bản án:
    image
    Bản án số 06/2023/LĐ-PT

Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam quy định:
Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”
Khi bà N sử dụng hộ chiếu Hoa Kỳ nhập cảnh vào Việt Nam thì buộc chỉ phải sử dụng một hộ chiếu thực hiện cư trú, làm việc tại Việt Nam. Tức là hộ chiếu mang quốc tịch Hoa Kỳ, có thể xác định khi vào Việt Nam, bà N là người nước ngoài.
  • Xác định bà N là người nước ngoài thì căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 151 Bộ luật lao động quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì cần phải có Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đồng thời, bà N buộc phải cung cấp đầy đủ các thông tin một cách trung thực cho công ty trước khi ký kết hợp đồng theo khoản 2 Điều 16 Bộ luật lao động 2019. Tòa án cũng đưa ra hướng giải quyết tương tự khi áp dụng quy định của Bộ luật lao động 2012:
  • Picture2
    Bản án số 06/2023/LĐ-PT

Điều này dẫn đến yêu cầu của bà N bị Tòa án bác bỏ do hành vi của bà N vi phạm quy định của pháp luật.
Theo tình huống của bản án, thì bà N người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần áp dụng các điều kiện lao động theo trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tức là cần phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
Vậy nên, một điều đáng lưu ý cho cả người lao động và người sử dụng lao động, trước khi ký kết hợp đồng lao động cần phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, xem xét kỹ các điều kiện lao động dành cho người nước ngoài để tranh xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Trên đây là những phân tích về điều lao động của Việt Kiều tại Việt Nam. Tuy nhiên sau khi xác định thì vấn đề làm thế nào để xin giấy phép lao động, cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào và các vấn đề khác có liên quan thì chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

* Lưu ý: Các thông tin về bán án của bài viết được lấy từ nguồn “congbobanan” và đã được mã hóa dữ liệu. Đồng thời, bài viết trên nhằm chia sẻ thêm kiến thức pháp luật cho người đọc, các nhận xét, đánh giá đều dựa trên quan điểm và học thuật không nhằm mục đích bảo vệ cho bất cứ chủ thể nào.

 

Tác giả: Quyên Phạm Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây