Tội lập quỹ trái phép (Điều 166 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 23:34
Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng  và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm

- Khách thể: tội phạm này xâm phạm chế độ lập quỹ trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Ngoài ra, tội phạm này còn xâm hại đến sở hữu Nhà nước. Đối tượng của tội phạm này là số tiền (hoặc tài sản) của Nhà nước được dùng vào việc lập quỹ trái phép.
- Khách quan: thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép. Lập quỹ trái phép được hiểu là lập quỹ không theo quy định của Nhà nước (lấy của công để lập quỹ). Thủ đoạn lập quỹ rất đa dạng, có thể là: lập chứng từ giả, giấy tờ giả, sổ sách riêng nhằm rút tiền của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp…nhằm thoát khỏi sự giám sát về tài chính của Nhà nước. Quỹ được lập có thể bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, ngân phiếu, tín phiếu, kim khí quý, đá quý, tài sản nói chung…
Hành vi lập quỹ trái phép có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, nếu quỹ có giá trị dưới 50 triệu đồng mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cũng cấu thành tội phạm này. Hậu quả nghiêm trọng nói tại Điều này chưa được hướng dẫn bằng văn bản với tư cách riêng cho tội phạm này. Vì vậy, chúng ta có thể tham khảo nội dung của hậu quả nghiêm trọng được hướng dẫn Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (25/12/2001).  
- Chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, thông thường người phạm tội lập quỹ trái phép vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác (nhưng không phải để chiếm đoạt tài sản được lập quỹ).
 - Chủ thể: là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ sở hoạt động kinh tế, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
Trong số các tình tiết định khung hình phạt, chúng ta cần chú ý đến tình tiết: dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát (điểm a khoản 2); để thực hiện tội phạm khác (điểm b khoản 2).
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát là trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối, khó phát hiện nếu không có trình độ. Ví dụ, quỹ trái phép được hạch toán chung với quỹ khác, dành một phần quỹ sử dụng vào mục đích từ thiện…
+ Để thực hiện tội phạm khác như: dùng quỹ trái phép để đưa hối lộ, buôn lậu, kinh doanh trái phép…Nhưng các tội phạm đó cũng nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Nếu các tội phạm đó được thực hiện vì mục đích cá nhân thì hành vi lập quỹ không thuộc tội phạm này mà là tội tham ô  tài sản.
Về các tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (25/12/2001). 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây