1. Khi nào cần soạn thảo đơn khởi kiện?
Khi quyền sở hữu trí tuệ của bạn bị xâm phạm, chẳng hạn như tác phẩm, sản phẩm sáng tạo (văn học, nghệ thuật, phần mềm, thiết kế, v.v.) bị sao chép hoặc sử dụng trái phép mà không được sự đồng ý. Điều này thường xảy ra khi quyền tác giả hoặc quyền liên quan không được tôn trọng, hoặc bạn phát hiện hành vi chiếm đoạt các quyền này.
Nếu việc thương lượng hoặc hòa giải với bên vi phạm không đạt được thỏa thuận và hành vi vi phạm gây ra thiệt hại về tài chính (như mất doanh thu) hoặc uy tín, người bị xâm phạm bản quyền có thể yêu cầu pháp luật can thiệp. Khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại hoặc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ của bạn
2. Đơn khởi kiện là gì?
Đơn khởi kiện là văn bản thể hiện yêu cầu của bạn gửi đến Tòa án, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu Tòa án có thụ lý và giải quyết vụ việc hay không. Do đó, đơn khởi kiện cần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về hình thức và nội dung theo Luật Tố tụng Dân sự. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này, Tòa án có thể từ chối thụ lý và trả lại đơn.
3. Có những cách gửi đơn khởi kiện nào?
Tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
“Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”
4. Nội dung đơn khởi kiện bao gồm những gì
Khi soạn thảo đơn khởi kiện, bạn cần chú ý phần yêu cầu khởi kiện là bắt buộc và phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, mang tính đề xuất để Tòa án xem xét giải quyết. Tránh đưa ra các yêu cầu phi thực tế, không có căn cứ hoặc trái quy định pháp luật. Yêu cầu cần cụ thể, không nên chung chung hay khái quát. Việc đưa ra yêu cầu không phù hợp không chỉ dẫn đến việc Tòa án bác bỏ yêu cầu mà bạn còn có thể phải chịu án phí theo quy định pháp luật.
Phần nội dung, đảm bảo trình bày rõ ràng diễn biến và bản chất tranh chấp. Tránh viết dài dòng, lan man; chỉ cần nêu các sự kiện quan trọng theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, cũng không nên quá tóm tắt khiến người đọc khó hiểu được diễn biến tranh chấp.
Quy định pháp luật về nội dung của đơn khởi kiện bao gồm:
Theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
“a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.”
Để soạn thảo đơn khởi kiện, bạn có thể tham khảo các biểu mẫu có sẵn trên internet hoặc tại các bảng thông báo công khai ở trụ sở Tòa án.
Việc tìm hiểu về đơn khởi kiện vi phạm bản quyền là một bước quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tác phẩm khi quyền tác giả bị xâm phạm. Bằng cách nắm vững quy trình và các yêu cầu pháp lý, chủ sở hữu có thể chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, thu thập chứng cứ cần thiết và thực hiện các thủ tục pháp lý một cách chính xác. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn đảm bảo quyền lợi tài chính và danh tiếng của chủ sở hữu tác phẩm.
Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề đơn khởi kiện vi phạm bản quyền nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề đơn khởi kiện vi phạm bản quyền chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.
Chúng tôi trên mạng xã hội