Trong quá trình tố tụng hình sự, luật sư không chỉ đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo mà còn là người đại diện pháp lý quan trọng của người bị hại. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, luật sư cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ thu thập chứng cứ, phân tích vụ việc đến xây dựng luận cứ pháp lý chặt chẽ. Những kỹ năng này không chỉ giúp đảm bảo công lý mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình xét xử. Vậy, luật sư cần có những kỹ năng gì để chuẩn bị bào chữa hiệu quả cho người bị hại?
Trong các giai đoạn tố tụng, giai đoạn xét xử được coi là giai đoạn quan trong nhất. Giai đoạn này được coi là điểm kết thúc của một quá trình tố tụng từ khi phát hiện tội phạm, truy tố người phạm tội và sau cùng là buộc kẻ phạm tội chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Sự tham gia của luật sư trong giai đoạn này là hết sức quan trọng. Luật sư cung cấp cho HĐXX những tình tiết liên quan đến mọi khía cạnh của vụ án nhằm giúp cho HĐXX đánh giá một cách khách quan và toàn diện nhất từ đó đưa ra một bản án đúng đắn hợp tình hợp lý thông qua bài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Thông qua bài bảo vệ cho người bị hại, nhiệm vụ và mục đích của Luật sư là làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án; giúp thân chủ về mặt pháp lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Bên cạnh đó luật sư cũng có những đóng góp thiết thực giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật vụ án nhằm xử lý nghiêm khắc người phạm tội và yêu cầu mức bồi thường hợp lý cho người bị hại. Thông qua bài bảo vệ, luật sư góp phần hạn chế sự vi phạm các quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng, đảm bảo cho các hoạt động tố tụng được tiến hành khách quan toàn diện. Vì vậy, Luật sư cần phải tập trung tinh lực và sự tổng hợp để có thể đưa ra được những phác thảo tương đối hoàn chỉnh của “bức tranh vụ án”, trong đó, các chứng cứ được phơi bày công khai, so sánh đối chiếu những điểm mâu thuẫn, khai thác những tình tiết có lợi, giải thích những điểm chưa minh bạch trong hành vi, đối chiếu với các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, đề xuất những vấn đề pháp lý cụ thể, rõ ràng theo hướng có lợi nhất cho thân chủ của mình. Để thực hiện được điều này, luật sư cần phải có sự chuẩn bị bài bảo vệ kỹ càng, vận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được để tập trung hoàn thiện bài bảo vệ một cách tốt nhất.
>> Luật sư tham gia bào chữa án hình sự
Bài bảo vệ là văn bản thể hiện quan điểm của luật sư trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại. Bài bảo vệ là văn bản quan trọng nhất của luật sư, là sản phẩm của quá trình tham gia tố tụng, nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các văn bản pháp luật, thu thập, tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích của thân chủ. Bài bảo vệ của luật sư là chỗ dựa vững chắc về pháp lý và tâm lý, giúp cho người bị hại tin tưởng hơn vào sự công bằng của pháp luật, từ đó giúp cho người bị hại có hướng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bản thân bên cạnh việc bảo vệ của luật sư, đồng thời là cơ sở giúp thân chủ đánh giá đúng đắn các kết quả, kỹ năng mà luật sư đã thực hiện.
Trong bài bảo vệ của mình các vấn đề mà luật sư đưa ra phải được cân nhắc một cách cẩn trọng, thể hiện được kỹ năng hành nghề, kỹ năng phân tích và đánh giá các tình tiết vụ án. Ở đây kỹ năng của luật sư được hiểu là những việc làm có tính tác nghiệp mà luật sư phải thực hiện trong quá trình tham gia tố tụng. Đó là khả năng, năng lực, kinh nghiệm của luật sư để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Tại các phiên toà hình sự, sự lập luận đối chứng của luật sư giúp cho cơ quan xét xử tìm ra sự thật một cách khách quan hơn, trên cơ sở đó bảo vệ và duy trì trật tự pháp luật; đồng thời giúp cho thân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Đây là một trong những đòi hỏi cần thiết mà một trong những luật sư phải đạt được khi hành nghề trong xã hội. Luật sư luôn phải thể hiện đúng vai trò, vị trí, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của mình đối với xã hội, thân chủ cua mình đặc biệt trong giai đoạn xét xử.
Luật sư phải đọc, hiểu một cách tường tận những quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước để có căn cứ chính xác, từ đó tìm ra những yếu tố chứng cứ có lợi nhất cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, với mỗi tội, mỗi nhóm tội khác nhau thì nội dung bài bảo vệ cũng khác nhau. Do đó việc chuẩn bị bài bảo vệ của luật sư chính là một quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi luật sư phải làm việc hết sức nghiêm túc để có được sự chắt lọc kỹ lưỡng các vấn đề được đưa ra nghiện cứu. Song không vì thế mà luật sư đưa ra những tình tiết, chứng cứ không có thật hoặc thiếu căn cứ. Những yếu tố này phải được đưa ra trên cơ sở có căn cứ pháp lý rõ ràng và không trái với các quy định của pháp luật.
Thứ nhất: Bài bảo vệ phải có bố cục chặt chẽ, ngắn gọn, rõ ràng và súc tích. Các vấn đề đưa ra trong bài bảo vệ cần được sắp xếp đảm bảo tính lôgic, có bố cục chặt chẽ; phải thể hiện được trình tự, diễn biến phiên toà; thể hiện bản chất của sự việc tạo cho người nghe một cảm giác nhẹ nhàng thoải mái.
Thứ hai: Những vấn đề đưa ra chứng minh phải đảm bảo tính trung thực và có tính thuyết phục. Bài bảo vệ cũng phải nhấn mạnh, tập trung vào những vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ thân chủ, tránh sa đà vào những vấn đề không liên quan làm cho bài bảo vệ trở nên lan man gây mất thời gian và sự tập trung của người nghe tại phiên toà.
>> Luật sư tư vấn sơ thẩm vụ án hình sự
Để bài bảo vệ đạt yêu cầu, nhất thiết luật sư phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Muốn vậy luật sư phải có kiến thức sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội; có khả năng nghiên cứu, phân tích các thông tin và tóm tắt các nội dung đó.
Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ án cần được đưa ra giải quyết. Có những vụ án đơn giản, số lượng người tham gia ít, bị cáo nhanh chóng nhận tội. Song cũng có những vụ án rất phức tạp. Do vậy với mỗi vụ án khác nhau thì bài bảo vệ của luật sư có nội dung khác nhau. Tuy nhiên, dù vụ án đơn giản hay phức tạp thì việc chuẩn bị bài bảo vệ cũng phải qua những bước chuẩn bị cơ bản như sau:
Luật sư cần tổng hợp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và các tài liệu chứng cứ mới bổ sung; kiểm tra tính phù hợp, mâu thuẫn giữa các chứng cứ có trong hồ sơ, giữa các chứng cứ trong hồ sơ với các tài liệu, đồ vật mà Luật sư thu thập được. Từ đó luật sư sẽ có những đề xuất trực tiếp với cơ quan đang thụ lý hồ sơ vụ án hoặc sẽ xuất trình tại phiên tòa làm cơ sở bảo vệ cho thân chủ.
Việc chuẩn bị các tài liệu có liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc giải quyết vụ án. Các tài liệu có liên quan phục vụ cho việc bảo vệ bao gồm:
+ Văn bản pháp luật: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Hiến pháp, các đạo luật, Pháp lệnh, Nghị định, các Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Thông tư liên bộ, các công văn hướng dẫn có liên quan đến hoạt động bảo vệ thân chủ trong vụ án cụ thể.
+ Các tài liệu khác như: bình luận khoa học, tài liệu về nhân thân bị cáo, người bị hại, tài liệu về những người tham gia tố tụng khác cần thiết cho việc viện dẫn để bảo vệ, các tin, bài được phát, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu khác ... từ đó giúp chúng ta chứng minh một vấn đề nào đó có lợi cho thân chủ.
Trên cơ sở nắm bắt các tài liệu, chứng cứ, các tình tiết khác liên quan đến vụ án cũng như các tình tiết xác định nhân thân bị can, bị cáo và nắm vững các quy định của pháp luật có giá trị chứng minh có lợi cho thân chủ. Luật sư phải tổng hợp, phân tích, sắp xếp một cách khoa học, lôgic những tình tiết đó để có thể xây dựng một đề cương bài bảo vệ cho thân chủ của mình.
Tuỳ từng vụ án có tính chất phức tạp hay không phức tạp; tài liệu, chứng cứ buộc tội có rõ ràng hay không; bị cáo nhận tội hay không nhận tội; lời khai của bị cáo có mâu thuẫn với nhau hay không?... để chuẩn bị bài bảo vệ phải dưới dạng chi tiết hay chỉ ở dạng dàn ý.
Bài bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, luật sư cần định ra các hướng bảo vệ chính như: cáo buộc đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của bị cáo và yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại cho thân chủ của mình. Việc cáo buộc bị cáo đòi hỏi luật sư phải đưa ra được các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS, các tình tiết định khung tăng nặng hơn so với khung mà Viện kiểm sát truy tố, các tội nặng hơn mà Viện kiểm sát truy tố. Ở vị trí người bảo vệ kỹ năng bảo vệ được thực hiện theo hướng ngược lại với vị trí của người bào chữa theo hướng giảm nhẹ.
Khi có cơ sở để cho rằng việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung sẽ có lợi cho thân chủ là người bị hại, thì Luật sư có thể định hướng bảo vệ cho thân chủ theo hướng yêu cầu tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Hướng này thường áp dụng trong trường hợp luật sư qua nghiên cứu hồ sơ xét thấy thiếu những chứng cứ quan trọng dẫn đến việc xét xử vụ án sẽ thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ thì luật sư đưa ra và phân tích những điểm thiếu sót đó làm cơ sở đưa ra đề xuất với Hội đồng xét xử về việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Ví dụ, thiếu kết luận giám định tỷ lệ thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe, thiếu biên bản định giá của Hội đồng định giá tài sản, thiếu lời khai của người làm chứng quan trọng, thiếu vật chứng ...
>> Dịch vụ tư vấn pháp luật hình sự
Bài bảo vệ phải được soạn thảo theo hình thức hợp lý, bố cục chặt chẽ; nội dung diễn đạt chính xác, ngắn gọn, sử dụng ngôn từ chính xác, rõ ràng; thể hiện thái độ tôn trọng, lịch sự của luật sư đối với những tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.
Thông thường một bài bảo vệ được kết cấu gồm 3 phần: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
- Phần mở đầu: Trong phần này luật sư phải giới thiệu tư cách tham gia tố tụng và nêu mục đích của việc tham gia tố tụng.
- Phần nội dung: Trong phần này luật sư nêu tóm tắt diễn biến của vụ việc đã xảy ra một cách khách quan, trung thực theo cách nhìn nhận của bản thân luật sư, cần có đánh giá tổng quát về nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, các yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến việc xác định sự thật của vụ án, tính chất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội của hành vi thực hiện phạm tội, mối quan hệ giữa người bị hại với bị cáo. Luật sư nêu kết luận của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đối với vụ án thể hiện trong bản Kết luận điều tra và Bản cáo trạng, phân tích những điểm mâu thuẫn giữa hai văn bản này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ (nếu có).
+ Các hậu quả thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra, kèm theo là các tài liệu, chứng từ, kết quả giám định tổn hại về sức khỏe do
Hội đồng giám định pháp y kết luận, kết quả giám định thiệt hại về tài sản, giám định tài chính kế toán, những tổn hại về mặt tinh thần, gia cảnh của người bị hại vào thời điểm xét xử sơ thẩm, thái độ của bị cáo trong việc xử lý những mối quan hệ sau khi hành vi phạm tội với gia đình người bị hại, từ đó đánh giá về bản chất hành vi, tư cách và thái độ ăn năn hối cải, có khả năng phục thiện hay không của bị cáo ...
+ Yêu cầu xử lý nghiêm khắc hành vi phạm tội của bị cáo theo tính chất mức độ và các tính tiết định tội và định khung hình phạt.
+ Đề xuất và nêu các căn cứ pháp lý trong việc yêu cầu các mức bồi thường và trách nhiệm về mặt dân sự đối với bị cáo, đồng thời yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm bồi thường như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản cá nhân, bồi thường ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc xem xét lịch trình thanh toán các khoản tiền bồi thường.
+ Trong trường hợp do bị cáo và gia đình bị cáo ngay từ khi xảy ra vụ án đã có thái độ đúng mực xem xét, hỗ trợ cho gia đình bị hại, tìm mọi biện pháp khắc phục hậu quả của vụ án, bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại và các tổn thất khác do bị cáo đã gây ra, tự nhận thức được hành vi phạm tội, có thái độ ăn năn, hối cải, có thể đề xuất giảm nhẹ một phần hình phạt ch bị cáo, giảm mức bồi thường thiệt hại còn lại, giãn tiến độ thanh toán, bồi thường cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, sinh hoạt của bị cáo ...
Trong quá trình phát biểu quan điểm bảo vệ, luật sư cần hiểu mặc dù các tình yêu cầu tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và về bồi thường thiệt hại có nhiều điểm trùng khớp, thậm chí nhất trí và tán đồng với quan điểm của kiểm sát viên, nhưng xét về bản chất nghề nghiệp, vẫn có những khác biệt nhất định với giữa tư cách kiểm sát viên và luật sư. Sự khác biệt này thuộc “thần thái” tư chất, giọng nói, sự quan tâm đến số phận của người bị hại, số phận của doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản và ngay ở cách đề xuất tăng nặng hình phạt hay mắc bồi thường của luật sư. Luật sư cần hiểu thiên chức nghề nghiệp đòi hỏi mình không thể dùng ngôn ngữ đao to, búa lớn, quyền mạt sát, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của bị cáo. Sự uyển chuyển khéo léo trong cáo buộc đối với bị cáo để không đồng nhất mình với vai trò của kiểm sát viên, từ đó đưa ra những chứng cứ, quan điểm và phân tích về mặt pháp lý, dành quyền phán quyết cho Hội đồng xét xử ...
Tựu chung lại, trong mọi trường hợp những lý lẽ, tình tiết luật sư dẫn chiếu chứng minh phải đảm bảo có lợi nhất cho thân chủ của mình. Điều đó không có nghĩa là luật sư bất chấp sự thật cố tình đưa ra những chứng cứ không có thật hoặc giả mạo.
Đây là phần luật sư khép lại bài bảo vệ, vì vậy luật sư nên dành những từ ngữ, câu văn mang tính chất biểu cảm, các cách nói tu từ ở mức độ đúng mực để tác động tới tình cảm, lòng trắc ẩn của Hội đồng xét xử đối với thân chủ, để Hội đồng xét xử đánh giá một cách toàn diện hành vi phạm tội của bị cáo.
Trong phần này, Luật sư cần tóm tắt những điểm chính đã trình bày, đưa ra các đề xuất về việc áp dụng luật để giải quyết vụ án theo hướng có lợi cho thân chủ. Tùy từng trường hợp luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 BLHS, các tình tiết định khung tăng nặng hơn so với khung mà Viện kiểm sát truy tố, các tội nặng hơn mà Viện kiểm sát truy tố; Yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại cho thân chủ của mình và các biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại. Khi có cơ sở để cho rằng việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung sẽ có lợi cho thân chủ là người bị hại, thì Luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo quy định của pháp luật tố tụng, luật sư có mặt tại phiên toà công khai để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Tại phiên toà, mọi quan điểm của luật sư đối với vụ án được thể hiện chủ yếu trong bài bảo vệ của mình. Tuy nhiên cùng một vụ án nhưng được xét xử ở những cấp xét xử khác nhau nên bài bài bảo vệ phải có nội dung khác nhau và đòi hỏi nguời luật sư phải có các kỹ năng khác nhau trong từng giai đoạn.
- Trong giai đoạn sơ thẩm: Nội dung bài bảo vệ phải thể hiện được những nội dung như sau:
+ Về thủ tục: đề cập đến hoạt động của các cơ quan tố tụng có được tiến hành theo đúng trình tự thủ tục hay không, có vi phạm nào không. Nội dung này được luật sư thực hiện thông qua việc kiểm tra các tài liệu có trong hồ
sơ vụ án. Cụ thể việc kiểm tra về tính hợp pháp, về thời gian...Trong trường hợp phát hiện có sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, không làm sai lệch bản chất vụ việc luật sư không cần thiết đề xuất trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nội dung vụ án, làm sai lệch bản chất vụ việc và xét thấy việc điều tra bổ sung sẽ có lợi cho thân chủ của mình thì đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
+ Về nội dung: Cần xem xét về tội danh, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các thiệt hại thực tế xảy ra và mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra ... Và tại phiên toà khi có những tinh tiết mới liên quan tới vụ án, luật sư phải kịp thời nắm bắt để chỉnh lý lại nội dung của bài bảo vệ cho phù hợp.
- Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Trong giai đoạn này việc chuẩn bị bài bảo vệ là công việc thể hiện sự kết tinh năng lực tư duy biện chứng, khả năng khái quát, tổng hợp và quan điểm pháp lý của luật sư đối với yêu cầu kháng cáo của bị cáo, đương sự. Nếu luật sư tham gia từ phiên tòa sơ thẩm, việc soạn thảo bài bảo vệ có nhiều thuận lợi hơn. Trường hợp luật sư mới tham gia từ giai đoạn phúc thẩm, nội dung bài bảo vệ cần có phần nhận định chung về tính hợp pháp và căn cứ áp dụng pháp luật để kết tội và định mức hình phạt của cấp sơ thẩm. Việc soạn thảo bài bảo vệ cần tập trung vào những điểm luật sư đã nghiên cứu trong hồ sơ, bám sát các yêu cầu kháng cáo của bị cáo, đương sự. Do đặc điểm của phiên tòa phúc thẩm, nên bài bảo vệ cần ngắn gọn, luận điểm pháp lý sắc bén, có căn cứ, đề xuất kiến nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại một cách phù hợp với thực tế và diễn biến phiên tòa.
Cấu trúc bài bảo vệ có thể bao gồm:
+ Nhận xét về quá trình điều tra, truy tố và xét xử của cấp sơ thẩm; những vấn đề liên quan và chú ý những vi phạm về thủ tục tố tụng; nhận xét về việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật của bản án sơ thẩm.
+ Phần nội dung: nhấn mạnh những căn cứ và lập luận chứng minh tính thuyết phục trong bản án sơ thẩm; đưa ra những chứng cứ, lập luận cho yêu cầu kháng cáo của người bị hại; làm rõ các căn cứ pháp lý, áp dụng điều luật cụ thể cho các đề xuất hướng giải quyết vụ án. Đặc biệt, trong giai đoạn
xét xử phúc thẩm nếu có xuất hiện thêm những tình tiết mới có lợi cho người bị hại thì cũng cần phải được bổ sung vào bài bảo vệ một cách kịp thời nhằm tăng thêm tính pháp lý cho bài bảo vệ, nâng cao khả năng thuyết phục đối với HĐXX.
+ Trong phần kiến nghị, kết luận, cần đề xuất tuyên bố có lợi cho người bị hại.
Như vậy, khi đã nhận trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ dù vụ việc đơn giản hay phức tạp, dù ở giai đoạn xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm, luật sư cũng cần thiết phải chuẩn bị bài bảo vệ hết sức chu đáo, kỹ lưỡng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mà ở đây đang đề cập đến là người bị hại – người bị tội phạm gây thiệt hại nặng nề về vật chất và tinh thần. Qua việc chuẩn bị chu đáo bài bảo luật sư đã thực sự đề cao vai trò của mình trước khách hàng và các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời cũng chứng tỏ được"nghề luật sư là cao quý" xứng đáng được xã hội và mọi người tôn trọng.
Chúng tôi trên mạng xã hội