Lấy ý kiến Người lao động khi sửa đổi Nội quy lao động

Thứ ba - 30/08/2022 22:30
Nội quy lao động là quy định quan trọng do người sử dụng lao động ban hành tại nơi làm việc, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Do đó, để nội quy lao động không bị ảnh hưởng bởi ý chí duy nhất của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải lấy ý kiến tham khảo từ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tức tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của phần lớn hoặc tất cả những người lao động làm việc tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động trước khi thực hiện sửa đổi, bổ sung.
Lấy ý kiến Người lao động khi sửa đổi Nội quy lao động
Lấy ý kiến Người lao động khi sửa đổi Nội quy lao động
Mục lục

1. Về đối tượng tham khảo ý kiến

Căn cứ Khoản 3 Điều 118 BLLĐ 2019, trước khi sửa đổi, bổ sung nội quy lao động (NQLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) tại cơ sở, tức là Công đoàn cơ sở tại công ty.

2. Về việc thực hiện lấy ý kiến

Căn cứ Khoản 1 Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, NSDLĐ phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở (Công đoàn) về NQLĐ được thực hiện như sau:
i. NSDLĐ có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên NLĐ.
ii. Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên NLĐ có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến NLĐ do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng nhóm đại diện đối thoại của NLĐ để gửi tới NSDLĐ; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ. 
iii. Căn cứ ý kiến của Công đoàn, NSDLĐ tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung NSDLĐ đưa ra.
iv. Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Về số lượng, thành phần tham gia: tại khoản 2 Điều 63 của BLLĐ quy định như sau:
- Bên người sử dụng lao động: Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, NSDLĐ quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của NSDLĐ và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
- Bên người lao động: Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, cơ cấu, số lượng lao động và các yếu tố bình đẳng giới, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở xác định số lượng, thành phần tham gia đối thoại nhưng phải bảo đảm số lượng như sau:
 + Ít nhất 03 người, nếu NSDLĐ sử dụng dưới 50 người lao động;
 + Ít nhất từ 04 người đến 08 người, nếu NSDLĐ sử dụng từ 50 người lao động đến dưới 150 người lao động;
 + Ít nhất từ 09 người đến 13 người, nếu NSDLĐ sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động;
 + Ít nhất từ 14 người đến 18 người, nếu NSDLĐ sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao động;
 + Ít nhất từ 19 đến 23 người, nếu NSDLĐ sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
 + Ít nhất 24 người, nếu NSDLĐ sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên.
Căn cứ số lượng người đại diện đối thoại của bên người lao động quy định như trên, Công đoàn cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng đại diện tham gia đối thoại tương ứng theo tỷ lệ thành viên của tổ chức và nhóm mình trên tổng số lao động của NSDLĐ.
v.  Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại.
vi. Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, NSDLĐ có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; Công đoàn phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến NLĐ là thành viên.
Theo quy định trên, doanh nghiệp phải lấy ý kiến của tất cả người lao động thông qua công đoàn, tức công đoàn sẽ phụ trách việc lấy ý kiến và gửi cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tổ chức đối thoại với đại diện người lao động theo quy định trên. Đây là quy định nhằm đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Lấy ý kiến Người lao động khi sửa đổi Nội quy lao động nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Lấy ý kiến Người lao động khi sửa đổi Nội quy lao động chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây