1. Lương tháng 13
1.1 Tính pháp lý của khoản lương tháng 13
Pháp luật lao động hiện hành không có quy định về lương tháng 13. Bản chất của khoản phúc lợi này có thể được hiểu là tiền thưởng theo quy định Điều 104 Bộ luật Lao động. Tiền thưởng là khoản mà doanh nghiệp trả cho người lao động dựa vào hai tiêu chí: kết quả làm việc của người lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm. Việc thưởng được thực hiện theo quy chế được ban hành bởi doanh nghiệp, công khai cho người lao động, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (công đoàn).
Trên thực tế, lương tháng 13 thường được doanh nghiệp trả cho người lao động vào dịp cuối năm nên người lao động có thể nhầm lẫn đây là khoản thưởng tết âm lịch. Tuy nhiên, bản chất khoản phúc lợi này không phải là thưởng tết vì khoản tiền này được trả dựa trên kết quả làm việc của người lao động và hiệu quả kinh doanh trong năm của doanh nghiệp; căn cứ theo thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động tại hợp đồng lao động và/hoặc được quy định tại quy chế lương, thưởng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phân biệt rõ lương tháng 13 và thưởng tết trong quy chế của doanh nghiệp.
1.2 Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lương tháng 13
Căn cứ Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng dựa vào hai tiêu chí: kết quả làm việc của người lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm. Theo đó, thưởng là không bắt buộc mà phụ thuộc quyết định của doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp có quy chế thưởng đã công khai với người lao động hoặc doanh nghiệp và người lao động đã có thỏa thuận tại hợp đồng lao động hoặc văn bản khác về việc thưởng và người lao động đáp ứng được điều kiện để nhận thưởng.
1.3 Cách tính lương tháng 13
Mỗi doanh nghiệp có cách tính lương tháng 13 riêng. Thực tế có doanh nghiệp tính lương trung bình của các tháng người lao động làm việc trong năm; cũng có doanh nghiệp tính theo lương tháng 12. Doanh nghiệp phải quy định rõ trong quy chế của doanh nghiệp về cách tính lương tháng 13 để tránh tranh chấp.
1.4 Một số vấn đề khác liên quan đến lương tháng 13
Theo Công văn số 560/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiền thưởng lương tháng 13 và tiền thưởng theo hiệu quả công việc không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ tiền lương, tiền công và các có tính chất tiền lương, tiền công là khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tiền lương tháng 13 có tính chất tiền lương nên khoản thu nhập này phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
2. Tăng lương hàng năm
Việc tăng lương hàng năm (vào dịp đầu năm dương lịch) cho người lao động có thể được thực hiện bởi các phương thức sau:
2.1 Tăng lương đảm bảo mức lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng hàng năm có thể được thay đổi bởi Chính phủ. Tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động theo sự thỏa thuận của các bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Do đó, việc tăng lương để đảm bảo lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng là yêu cầu bắt buộc đối với công ty trong trường hợp mức lương của nhân viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (Khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019).
2.2 Tăng lương theo thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động
Chế độ nâng lương đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty (Điều 103 Bộ luật Lao động 2019). Theo đó, pháp luật không quy định về việc hàng năm phải tăng lương và phương thức xét tăng lương. Việc tăng lương là chính sách của công ty nhằm khuyến khích và giữ nhân sự. Tuy nhiên, nếu có thỏa thuận tại hợp đồng lao động hoặc quy định tại thỏa ước lao động tập thể, quy chế lương của công ty thì công ty phải tuân thủ các quy định này.
2.3 Tăng lương theo hiệu quả công việc
Doanh nghiệp có thể quyết định tăng lương cho người lao động trên cơ sở đánh giá kết quả kinh doanh của công ty và hiệu quả công việc, đóng góp của người lao động.
2.4 Tăng lương do thay đổi vị trí/chức vụ công việc
Việc tăng lương do thay đổi vị trí/chức vụ cần căn cứ vào thang, bảng lương mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Tóm lại, việc trả lương tháng 13 và tăng lương hàng năm cho người lao động không là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp, trừ khi giữa doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận hoặc quy chế doanh nghiệp có quy định và người lao động đáp ứng yêu cầu được nhận, và ngoại lệ trong trường hợp tăng theo lương tối thiểu vùng. Doanh nghiệp và người lao động cần nắm rõ các quy định liên quan để thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi cho mình.
Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Quy đinh về lương tháng 13 nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Quy định về lương tháng 13 chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com
Chúng tôi trên mạng xã hội