Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng như thế nào?

Thứ năm - 17/05/2018 03:46
Tham nhũng trong hoạt động kinh doanh là hiện tượng đang được các doanh nghiệp đặt nhiều sự quan tâm trong bối cảnh mở rộng hợp tác toàn cầu. Thể hiện dưới nhiều dạng hành vi, hối lộ là hành vi tham nhũng trong kinh doanh thường gặp nhất. Đáng lưu ý rằng doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân thực hiện hành vi hối lộ. Biểu hiện của hành vi này trong giao dịch kinh tế là biếu tặng, hứa hẹn, đề nghị chi trả hay chi trả (trực tiếp hoặc qua bên thứ ba) các khoản tài chính/lợi thế khác cho đối tác như một hình thức đút lót cho hành động mà hành động này là trái pháp luật hoặc gây mất niềm tin.
Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng
Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng
Mục lục
Hệ lụy của hành vi hối lộ không chỉ thiệt hại về lợi ích kinh doanh mà doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu.
Do vậy, ngoài các chính sách nội bộ, việc xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng với đối tác để hạn chế những hệ lụy đáng tiếc mà hành vi hối lộ mang lại là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Đánh giá đúng tác động của việc chống hối lộ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp là cơ sở để xác định tầm quan trọng của việc xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng. Và trong bài viết này, chúng tôi đề cập một số lưu ý nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng điều khoản chống hối lộ mang tính thực thi và hiệu quả.

 

1. Tính cần thiết của việc xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng


Đã có một số bài viết về điều khoản chống hối lộ/chống tham nhũng trong hợp đồng. Theo đó, tác giả đề cập đến vấn đề: các doanh nghiệp nước ngoài thực sự tôn trọng chính sách chống hối lộ trong khi các doanh nghiệp Việt Nam “chạy chọt”, “đi đêm” để ký hợp đồng diễn ra thường ngày1 . Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị phát hiện về hành vi hối lộ/nhận hối lộ và đây không là vấn đề của riêng doanh nghiệp Việt Nam. Tầm quan trọng của điều khoản chống hối lộ không phải bởi doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu hay chỉ trong giao dịch có đối tác nước ngoài mà [1] cần được định vị trên nhận thức những tác động tiêu cực do hành vi hối lộ gây ra, chẳng hạn:
i. Có nguy cơ bị chấm dứt hoặc từ chối quan hệ kinh doanh. Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp có thể phải trải qua quá trình đánh giá năng lực, chính sách phòng chống hối lộ trước khi đối tác quyết định giao kết hợp đồng. Nếu không đáp ứng được điều kiện về chính sách, phương án phòng chống tham nhũng, giao dịch khó đạt được. Hơn nữa, hành vi hối lộ còn gây ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp.
ii.  Gây cản trở cạnh tranh lành mạnh. Hành vi hối lộ thường đi kèm mục đích giành lợi ích nhiều hơn trong giao dịch. Do đó, hối lộ có thể dẫn đến các điều kiện cạnh tranh không cân bằng đối với đối tác, đối thủ.
iii. Xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, sáng tạo. Hiệu quả kinh doanh được xác định thông qua năng lực của doanh nghiệp, các nhân viên đáp ứng yêu cầu của đối tác và phù hợp quy định pháp luật. Bản thân hành vi hối lộ đã thiếu minh bạch, hệ quả kéo theo là năng lực không còn được xem trọng khi được đánh đổi bằng tư lợi, lợi ích cục bộ. Khi doanh nghiệp, nhân viên không cạnh tranh bằng năng lực thực sự, nhân viên sẽ thiếu sự chủ động, sáng tạo trong kinh doanh; chất lượng nền kinh tế thị trường sẽ bị suy giảm.
iv.Tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp bởi khoản tiền hối lộ sẽ không có hóa đơn, chứng từ. Là khoản chi không phù hợp pháp luật nên có khả năng sẽ được luân chuyển theo cách hoặc tạo ra các tài sản không hợp pháp.
v. Khó có khả năng xâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường các quốc gia có tham gia Công ước Chống hối lộ công chức nước ngoài trong giao dịch kinh doanh quốc tế của  Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Với xu thế hợp tác toàn cầu, hối lộ là hành vi cản trở và gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp muốn hội nhập. Với một số tác động cơ bản được nêu trên đủ cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của hành vi hối lộ gây ra cho doanh nghiệp. Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng là phương án hữu hiệu để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

2. Các vấn đề cần lưu ý khi xây dựng điều khoản chống hối lộ


Là một điều khoản của Hợp đồng, điều khoản về chống hối lộ sẽ không quá dài nhưng phải đầy đủ nội dung điều chỉnh hành vi của đối tác cũng như cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đảm bảo được mục tiêu chống hành vi hối lộ trong quá trình giao dịch, kinh doanh. Theo đó, khi xây dựng điều khoản chống hối lộ cần chú ý các nội dung sau:
 

2.1 Bao quát đối tượng điều chỉnh bởi quy định của điều khoản


Trong giao dịch thương mại, các pháp nhân (thông thường là 02) trực tiếp ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình xúc tiến, đàm phán và triển khai thực hiện hợp đồng liên quan đến nhiều đối tượng, cả cá nhân và tổ chức không trực tiếp ký kết hợp đồng như nhân viên của bên ký kết, đối tác của các bên cùng hợp tác thực hiện; cán bộ, cơ quan nhà nước; thậm chí là luật sư của doanh nghiệp... Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà các cá nhân, tổ chức có liên quan đến giao dịch đều có thể là đối tượng thực hiện hành vi hối lộ/nhận hối lộ, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Thỏa thuận của các bên không thể điều chỉnh đối với cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước nhưng gián tiếp chống việc nhận hối lộ thông qua kiểm soát các đối tượng còn lại. Khi xây dựng quy định, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng dù pháp nhân đứng ra giao dịch thì người thực hiện trực tiếp vẫn là cá nhân nên yêu cầu cam kết trách nhiệm đối với cả pháp nhân/nhân viên của pháp nhân liên quan. Đồng thời, pháp nhân có thể có một hoặc nhiều đơn vị phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện và nhân sự của các đối tượng này cũng phải bị điều chỉnh. Nếu quy định hành vi và chế tài chi tiết, chặt chẽ nhưng người thực hiện hối lộ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định thì mục đích chống hối lộ cũng không đạt được. Do vậy, điều khoản chống hối lộ cần thiết phải bao quát được tất cả các đối tượng có thể là chủ thể của hành vi hối lộ.
 

2.2 Nhận diện và dự liệu được phạm vi của hành vi hối lộ


Khi xác định hành vi hối lộ, cần phân biệt giữa hối lộ và chính sách hoa hồng, chiết khấu của doanh nghiệp nhằm xúc tiến, hỗ trợ kinh doanh. Hoa hồng, chiết khấu không phải là hối lộ nếu là chính sách của doanh nghiệp phù hợp pháp luật, khoản chi hợp lý, được doanh nghiệp công khai; giao dịch có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Trước đây, Việt Nam có quy định về tội đưa hối hộ nhưng không quy định như thế nào là hành vi đưa hối lộ. Hiện nay, đã có quy định về hành vi đưa hối lộ với nội dung: trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào (tiền, tài sản, lợi ích vật chất/lợi ích phi vật chất) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo đó, hối lộ/đưa hối lộ được xem xét ở hành vi đã thực hiện đưa hoặc hứa hẹn đưa lợi ích với mục đích yêu cầu người nhận làm theo yêu cầu của người hối lộ, không xét tính hợp pháp của mục đích.
Do vậy, doanh nghiệp cần căn cứ vào biểu hiện và mục đích của hành vi hối lộ để xác định và quy định đầy đủ các hành vi cần phải bị ngăn cấm. Xem xét tương ứng với đối tượng điều chỉnh từ chính doanh nghiệp mình và từ phía đối tác là phương thức đảm bảo quy định đầy đủ về hành vi chống hối lộ khi xây dựng điều khoản hợp đồng. Bởi, từ hai phía đều có thể thực hiện hành vi hối lộ/nhận hối lộ. Nhận diện một số hành vi hối lộ:
i. Cam kết lợi ích: mời chào, hứa hẹn hoặc bảo đảm lợi ích để người nhận thực hiện theo yêu cầu của mình, quyết định việc một giao dịch có thành công hay không.
ii. Chi trả lợi ích: Tặng quà, mời chiêu đãi, chi trả các khoản tài chính/lợi ích khác mà hành vi này có thể ảnh hưởng đến kết quả giao dịch kinh doanh theo cách không hợp lý, không chân thật hoặc trái pháp luật.
iii. Báo giá, chuyển tiền, trích % giá trị giao dịch cho nhân viên đối tác mà không phù hợp với chính sách của doanh nghiệp và không thông báo cho doanh nghiệp đối tác.
iv. Cho cán bộ, nhân viên đối tác vay tiền đổi lại điều kiện cán bộ, nhân viên đó phải trả một khoản lợi ích hoặc cơ hội giao dịch hoặc phải thực hiện yêu cầu của bên cho vay.
v. Tiết lộ thông tin kinh doanh của doanh nghiệp để đổi lấy lợi ích khác từ người nhận.
Nhận diện một số hành vi nhận hối lộ:
i. Gạ gẫm, dàn xếp, đề nghị chi trả với cam kết sẽ đáp ứng yêu cầu của bên giao lợi ích.
ii. Nhận lời mời chiêu đãi, nhận tài sản/lợi ích khác từ bên đề nghị. Mục đích của những hành vi nêu trên có thể là thu lợi cho chính cá nhân thực hiện hành vi hoặc cho gia đình, bạn bè, người quen, kể cả thu lợi bất chính cho doanh nghiệp của cá nhân đó. Lợi ích ở đây được hiểu bao gồm vật chất và lợi ích phi vật chất. Về cách thức thực hiện hành vi: kể cả hối lộ hoặc nhận hối lộ đều có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba. Về thời điểm thực hiện: hành vi hối lộ có thể được thực hiện trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng.
Trên đây là một số vấn đề được nhận diện thông qua thực tiễn xây dựng, rà soát điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng cho doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại. Trong ngữ cảnh cụ thể, doanh nghiệp có thể xem xét, xác định dựa trên biểu hiện và mục đích của hành vi như chúng tôi đã đề cập. Cũng cần lưu ý rằng, trong phạm vi điều khoản chống hối lộ, việc không thông báo/thông báo không kịp thời biểu hiện, hành vi nhân viên liên quan đến hối lộ được phát hiện trong quá trình giao dịch cũng là hành vi vi phạm.

 

2.3  Xây dựng chế tài xử lý tương xứng hành vi


Để có thể áp dụng chế tài, trước hết doanh nghiệp cần xây dựng phương thức để nhận diện và phát hiện hành vi hối lộ/nhận hối lộ. Thông thường, tại hợp đồng, các doanh nghiệp đều cam kết trách nhiệm theo dõi, giám sát nhân viên của mình; phát hiện và thông báo cho đối tác hành vi nhân viên của đối tác có thể vi phạm quy định về chống hối lộ.
Do vậy, các bên cần thiết phải đưa ra kênh tiếp nhận thông tin, tố cáo hành vi hối lộ/nhận hối lộ như email, điện thoại, địa chỉ nhận thư trực tiếp... Đây là yếu tố tạo điều kiện cho đối tác thực hiện trách nhiệm của mình, kịp thời tiếp nhận, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Với thực tế hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm đến điều khoản chống hối lộ thì cam kết chống hối lộ thường là cam kết một phía từ doanh nghiệp Việt theo yêu cầu của đối tác nước ngoài trong giao dịch ngoại thương. Chính điều này gây thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt khi không có đủ chế tài xử lý.
Chế tài tương xứng hành vi là mục tiêu cần đạt được khi xây dựng chế tài chống hối lộ. Doanh nghiệp hiểu rằng, giao dịch thương mại được thực hiện giữa các pháp nhân với nhau nên doanh nghiệp không thể áp dụng chế tài để xử lý nhân viên của đối tác. Do đó, mỗi bên phải cam kết tự xây dựng chính sách chống hối lộ để hạn chế việc doanh nghiệp phải gánh hậu quả do nhân viên của mình vi phạm thỏa thuận hợp đồng. Và cũng do đó, thỏa thuận chế tài tại hợp đồng hướng đến lợi ích của các doanh nghiệp đối với giao dịch. Chế tài đối với doanh nghiệp hiện nay được quy định ở quyền chấm dứt giao dịch nếu phát hiện hành vi hối lộ/nhận hối lộ/thực hiện không đúng thỏa thuận chống hối lộ giữa các bên ghi nhận tại hợp đồng hoặc chính sách chống hối lộ của doanh nghiệp đã được đề cập/dẫn chiếu đến/phổ biến cho các đối tác. Đồng thời, bên vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu phạt vi phạm theo thỏa thuận/quy định pháp luật. Ngoài ra, chế tài pháp lý không phải bao giờ cũng được ghi nhận tài hợp đồng nhưng đương nhiên được áp dụng nếu hành vi đưa/nhận hối lộ đủ dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan hoặc cấu thành tội phạm.

 

3. Giải pháp để thực thi điều khoản chống hối lộ


Để thực thi điều khoản về chống hối lộ, doanh nghiệp cần:
i. Xây dựng chính sách nội bộ về chống hối lộ để điều chỉnh hành vi nhân viên trong phạm vi kiểm soát của mình. Để xây dựng chính sách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải nhận diện được các trường hợp có thể xảy ra hành vi vi phạm tương ứng với hoạt động của doanh nghiệp và cơ chế xử lý đủ sức răn đe, phù hợp pháp luật.
ii.Thỏa thuận về điều khoản chống hối lộ trong giao dịch với các đối tác liên quan. Để đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận với một đối tác cụ thể, doanh nghiệp cũng cần ràng buộc trách nhiệm tương ứng đối với những đối tượng hợp tác thực hiện giao dịch đó.
ii. Triển khai dự đoán và đánh giá khả năng xung đột lợi ích trước khi quyết định nhân sự tham gia thực hiện giao dịch cụ thể. Để nhân viên tự dự đoán và đánh giá khả năng xung đột lợi ích trong giao dịch là phương thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên, hạn chế việc hối lộ.
iv.  Tuyên truyền pháp luật, chính sách công ty về chống hối lộ, hậu quả pháp lý của hành vi là phương thức phải thực hiện để thay đổi và nâng cao nhận thức của nhân viên trong việc chống hối lộ trong các giao dịch.
Hối lộ trong hoạt động kinh doanh nói chung và hối lộ liên quan đến các giao dịch nói riêng là vấn đề ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Không chờ đợi chế tài pháp lý, để phát triển và hội nhập, doanh nghiệp buộc phải chủ động xây dựng các cơ chế phòng chống hối lộ. Hướng đến giao dịch minh bạch; cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh; bảo vệ doanh nghiệp trước hành vi hối lộ/nhận hối lộ, thiết nghĩ điều khoản chống hối lộ cần được nhận thức là điều khoản bắt buộc trong các hợp đồng thương mại. Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng là điều doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện trên cơ sở nhận diện hành vi và xác định chế tài tương ứng.
 

[1] http://tiepthithegioi.vn/kinh-doanh/chong-tham-nhung-va-chuyen-nhan-quyentrong-hop-dong-thuong-mai/

>>> Xem thêm: Dịch vụ soạn thảo hợp đồng

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Xây dựng điều khoản chống hối lộ trong hợp đồng nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Xây dựng điều khoản chống hối lộ chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tác giả: Ls Nguyễn Thị Ngọc Dung - VPLS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây