Phân biệt hoạt động môi giới thương mại và các hoạt động trung gian thương mại khác

Thứ năm - 12/09/2019 03:05
Hiện nay, hoạt động môi giới thương mại đang là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong hoạt động kinh doanh. Việc sử dụng hoạt động môi giới thương mại cũng như các loại hình hoạt động trung gian thương mại khác một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp thường có sự nhầm lẫn trong việc sử dụng các hoạt động trung gian thương mại này, dẫn đến việc xác định không đúng bản chất mối quan hệ với bên trung gian, không đúng với nhu cầu của doanh nghiệp khi sử dụng bên trung gian trong quá trình kinh doanh của mình.
 
Môi giới thương mại
Môi giới thương mại
Trên cơ sở so sánh với các hoạt động trung gian thương mại khác, chúng tôi sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa hoạt động môi giới thương mại và ba hoạt động trung gian thương mại còn lại. Từ đó giúp doanh nghiệp nắm rõ bản chất của hoạt động môi giới thương mại và lựa chọn loại hình trung gian thương mại phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình.
 
1. So sánh hoạt động Môi giới thương mại và hoạt động Đại diện cho thương nhân
  Hoạt động Môi giới thương mại Hoạt động Đại diện cho thương nhân
Khái niệm Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới (Điều 150 LTM). Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện (Điều 141 LTM).
Vai trò của bên trung gian Bên môi giới hỗ trợ cho bên được môi giới trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa; bên môi giới đóng vai trò là cầu nối để người mua và người bán gặp gỡ nhau. Bên đại diện thực hiện các hoạt động thương mại cho bên giao đại diện.
Bên môi giới không tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới. Bên đại diện được ủy quyền để thay mặt bên giao đại diện thực hiện giao dịch thương mại (bao gồm giao kết hợp đồng) với bên thứ ba.
Bên môi giới không đại diện cho quyền lợi của bên nào. Bên đại diện làm việc theo sự chỉ dẫn của bên giao đại diện, đại diện cho quyền lợi của bên giao đại diện.
Bên nhân danh Bên môi giới thực hiện hoạt động môi giới với danh nghĩa của chính mình. Bên đại diện thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của bên giao đại diện.
Thời điểm phát sinh quyền hưởng thù lao Quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau (trừ trường hợp có thỏa thuận khác). Quyền hưởng thù lao đại diện phát sinh từ thời điểm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đại diện.
Hình thức hợp đồng Hợp đồng môi giới thương mại không nhất thiết phải lập thành văn bản. Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật).
           
Như vậy, điểm khác biệt quan trọng giữa hoạt động môi giới thương mại so với hoạt động đại diện cho thương nhân là ở sự ủy quyền. Trong hoạt động môi giới thương mại, bên môi giới chỉ đóng vai trò là bên trung gian tạo điều kiện cho các bên được tiếp xúc với nhau và không tham gia vào hợp đồng, giao dịch giữa các bên, không đại diện cho quyền lợi của bên nào. Ngược lại, trong hoạt động đại diện cho thương nhân, bên đại diện được bên giao đại diện ủy quyền thực hiện các hoạt động thương mại dưới danh nghĩa của chính bên giao đại diện.

2. So sánh hoạt động Môi giới thương mại và hoạt động Ủy thác mua bán hàng hóa
  Hoạt động Môi giới thương mại Hoạt động Ủy thác mua bán hàng hóa
Khái niệm Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới (Điều 150 LTM). Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác (Điều 155 LTM).
Chủ thể - Bên môi giới: phải là thương nhân.
- Bên được môi giới: Thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
+ Bên nhận ủy thác: Thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác.
+ Bên ủy thác: Thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
Vai trò Bên môi giới đóng vai trò là cầu nối để người mua và người bán gặp nhau, là trung gian trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng; không tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên (trừ khi được ủy quyền). Bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên ủy thác.
Bên nhân danh Bên môi giới hoạt động với danh nghĩa của chính mình, không đại diện cho quyền lợi của bên nào trong các bên được môi giới. Bên nhận ủy thác hoạt động với danh nghĩa của chính mình, đại diện cho quyền lợi của bên ủy thác.
Trách nhiệm pháp lý Bên môi giới có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của bên được môi giới, không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ. Bên nhận ủy thác có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Hình thức hợp đồng Hợp đồng môi giới thương mại không nhất thiết phải lập thành văn bản. Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Như vậy, điểm khác biệt quan trọng giữa hoạt động môi giới thương mại so với hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa là ở mức độ tham gia vào thực hiện hợp đồng, giao dịch giữa các bên. Trong hoạt động môi giới thương mại, bên môi giới hoàn toàn không tham gia vào việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Ngược lại, trong hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa, bên nhận ủy thác được tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa với bên thứ ba trên danh nghĩa của chính mình. Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa chỉ áp dụng trong lĩnh vực mua bán hàng hóa (không áp dụng đối với dịch vụ).

3. So sánh hoạt động Môi giới thương mại và hoạt động Đại lý thương mại
  Hoạt động Môi giới thương mại Hoạt động Đại lý thương mại
Khái niệm Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới (Điều 150 LTM). Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao (Điều 166 LTM).
Chủ thể - Bên môi giới: phải là thương nhân.
- Bên được môi giới: Thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
+ Bên giao đại lý: Thương nhân (giao hàng hóa, tiền, ủy quyền cung ứng dịch vụ).
+ Bên đại lý: Thương nhân
Vai trò Bên môi giới đóng vai trò là người trung gian trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng của các bên được môi giới. Bên đại lý là người trung gian trong
việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng.
Bên nhân danh Bên môi giới hoạt động với danh nghĩa của chính mình, không đại diện cho quyền lợi của bên nào, không tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên (trừ trường hợp được ủy quyền). Bên đại lý hoạt động với danh nghĩa của chính mình; đứng tên trên hợp đồng, là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Mối quan hệ Quan hệ giữa bên môi giới và bên được môi giới là quan hệ hợp đồng từng lần, ngắn hạn. Quan hệ giữa bên đại lý và bên giao đại lý là quan hệ hợp đồng dài hạn.
Quyền quyết định giá bán Bên môi giới không có quyền quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các bên được môi giới. Đại lý bao tiêu có quyền quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Hình thức hợp đồng Hợp đồng môi giới không nhất thiết phải lập thành văn bản. Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Như vậy, điểm khác biệt quan trọng giữa hoạt động môi giới thương mại và hoạt động đại lý thương mại là bên môi giới là không tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên, không được đứng tên trên hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ. Ngược lại, bên đại lý là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là bên đứng tên trên hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ. Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có sự nhầm lẫn giữa hai hoạt động này.
Tóm lại, so với các hoạt động trung gian thương mại khác, hoạt động môi giới thương mại có đặc điểm khác biệt là chủ thể thực hiện môi giới thương mại hoàn toàn không tham gia vào hợp đồng, giao dịch giữa các bên, không đại diện cho quyền lợi của bên nào. Chính vì không tham gia vào giao dịch giữa các bên nên bên môi giới không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của bên được môi giới, không có quyền được quyết định giá bán, giá cung ứng dịch vụ giữa các bên. Đồng thời, nếu các loại hình hoạt động trung gian thương mại khác bắt buộc phải được thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương thì luật lại quy định hợp đồng môi giới không nhất thiết phải lập thành văn bản. Điều này tạo điều kiện cho các hoạt động môi giới có thể tiến hành nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên việc không quy định như vậy cũng có mặt trái, đó là làm phát sinh những vấn đề tiềm ẩn về tranh chấp giữa các bên thực hiện dịch vụ môi giới và bên được môi giới, nhất là đối với những hợp đồng có giá trị lớn.

Kết luận: Trên đây là so sánh giữa hoạt động môi giới thương mại với các hoạt động trung gian thương mại khác. Nắm rõ sự khác biệt giữa các hoạt động trung gian thương mại này là cơ sở để chủ thể kinh doanh xác định đúng bản chất mối quan hệ với bên trung gian, đảm bảo việc lựa chọn loại hình trung gian thương mại là phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Phân biệt hoạt động môi giới thương mại và các hoạt động trung gian thương mại khác nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Phân biệt hoạt động môi giới thương mại và các hoạt động trung gian thương mại khác chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây