b. Dấu hiệu pháp lý
Về thực chất đây cũng là trường hợp giết người. Do đó các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này cũng tương tự như tội giết người, nhưng ở tội này có thêm dấu hiệu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nên nó có thêm những tình tiết sau:
- Nạn nhân phải là người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người phạm tội hoặc của người khác. Hành vi đó là trái pháp luật và có mức độ nguy hiểm đáng kể.
- Người phạm tội đã có hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhân trong khi hành vi xâm phạm nói trên của nạn nhân đang xảy ra hoặc đe doạ sẽ xảy ra ngay tức khắc.
- Người phạm tội đã có hành vi tước đoạt sinh mạng của nạn nhân khi có đủ cơ sở để thực hiện quyền phòng vệ. Việc người phạm tội có hành vi phòng vệ là cần thiết. Nhưng người phạm tội đã thực hiện quyền phòng vệ của mình rõ ràng là quá đáng, quá mức cần thiết nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi tấn công/xâm hại. Việc gây ra cái chết cho nạn nhân rõ ràng là vượt quá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.
Để đánh giá sự tương xứng giữa tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân với hành vi tước đoạt sinh mạng của nạn nhân của người phạm tội chúng ta cần xem xét một cách đầy đủ, toàn diện tất cả các tình tiết liên quan, trước tiên phải chú ý đến:
+ Tính chất quan trọng của những lợi ích bị xâm hại hoặc đe doạ xâm hại;
+ Mức độ thiệt hại mà hành vi tấn công của nạn nhân có thể gây ra;
+ Sức mãnh liệt của hành vi tấn công của nạn nhân;
+ Khả năng ngăn chặn hành vi tấn công của nạn nhân đặt trong hoàn cảnh cụ thể…
Phân biệt trường hợp phạm tội này với trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở các điểm sau (tạm gọi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là (1), giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là (2)):
+ Trong trường hợp (1), hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải đang diễn ra và chưa kết thúc; trường hợp (2), hành vi trái pháp luật của nạn nhân khiến tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh có thể đã kết thúc.
+ Trường hợp (1), tinh thần của người phạm tội có thể bị kích động (chưa đến mức mất tự chủ) hoặc không bị kích động; trường hợp (2), tinh thần của người phạm tội phải bị kích động mạnh.
+ Hành vi trái pháp luật của nạn nhân trong trường hợp (1) chỉ có thể bằng hành động; trường hợp (2) hành vi trái pháp luật có thể bằng hành động, lời nói...
+ Hành vi trái pháp luật của nạn nhân trong trường hợp (1) là đối với người phạm tội, Nhà nước, tổ chức, người khác; hành vi trái pháp luật ở trường hợp (2) là đối với người phạm tội hoặc người thân của họ.
c. Hình phạt chia thành 2 khung:
- Giết một người: người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
- Giết nhiều người: người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Trường hợp này, nhiều người bị giết phải đều có hành vi trái pháp luật làm phát sinh quyền phòng vệ từ phía người phạm tội. Nếu trong số những người bị giết, chỉ có một người có hành vi trái pháp luật làm phát sinh quyền phòng vệ, những người còn lại không có hành vi trái pháp luật hoặc có nhưng không thỏa mãn điều kiện của phòng vệ chính đáng thì người phạm tội phải bị truy cứu thêm tội giết người (Điều 93).
Chú ý: đây cũng là hành vi phạm tội không có giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt. Vì thế, chỉ có thể định tội này khi hậu quả chết người đã xảy ra.
Chúng tôi trên mạng xã hội