- Khách thể: tội này xâm phạm chế độ độc quyền quản lý một số hàng hoá của Nhà nước (hàng cấm). Đối tượng tác động của tội này là hàng hoá Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hàng hoá đó đều thuộc phạm vi đối tượng của tội này. Có những hàng hoá Nhà nước cấm kinh doanh nhưng đã là đối tượng tác động của tội khác nên không còn là đối tượng của tội này như: vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, ma tuý, văn hoá phẩm đồi truỵ...v.v…Khi đó, các dù người phạm tội có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng này, người phạm tội cũng không bị định tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm mà phải bị định về các tội phạm tương ứng đó. Ví dụ, vận chuyển chất ma tuý (Điều 194), tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (Điều 230)…v.v…
- Khách quan: điều luật quy định 4 loại hành vi sau:
+ Hành vi sản xuất hàng cấm: là hành vi làm ra hàng cấm. Người phạm tội có thể tham gia vào toàn bộ quá trình làm ra hàng cấm hoặc chỉ một công đoạn nào đó của quá trình làm ra hàng cấm. Hành vi sản xuất hàng cấm được xem là thực hiện xong khi sản phẩm hàng cấm đã hiện hữu trên thực tế.
+ Hành vi tàng trữ hàng cấm: là hành vi cất giữ trái phép hàng cấm trong người, trong nhà ở hoặc một nơi nào đó không kể thời gian bao lâu.
+ Hành vi vận chuyển hàng cấm: là hành vi đưa hàng cấm từ địa điểm này đến địa điểm khác mà không có giấy phép hợp lệ. Hành vi vận chuyển hàng cấm có thể được vận chuyển bằng bất kỳ hình thức nào như đeo trên người, để trong xe, chuyển qua đường bưu điện...v.v…
+ Hành vi buôn bán hàng cấm: là hành vi mua đi bán lại hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu lợi bất chính như mua bán theo nghĩa thông thường, trao đổi, thanh toán giao dịch bằng hàng cấm...Hành vi buôn bán coi như thực hiện xong kể từ khi hai bên đã thỏa thuận được việc mua bán hàng cấm, không cần các bên đã trao cho nhau hàng cấm, tiền.
Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm chỉ coi là tội phạm khi: + Hàng cấm có số lượng lớn, hoặc
+ Thu lợi bất chính lớn; hoặc
+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc các hành vi quy định tại điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159, 161 BLHS; hoặc
+ Đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về hành vi quy định tại điều này hoặc tại các điều 153, 154, 156, 157, 158, 159, 161 BLHS.
Tội phạm hoàn thành khi có một trong số các hành vi nêu trên.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ của tội phạm này thường là vì vụ lợi nhưng động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
- Chủ thể: bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về các tình tiết hàng cấm có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, rất lớn và đặc biệt lớn, chúng ta có thể tham khảo phần phân tích nội dung tội buôn lậu.
Chúng tôi trên mạng xã hội