Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 05:35
a. Định nghĩa: Ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi đối xử tàn nhẫn, trái đạo đức, luân lý của cháu đối với ông bà, con đối với cha mẹ, hoặc ngược lại, của vợ chồng đối với nhau, người được nuôi dưỡng đối với người nuôi dưỡng.
Hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình là hành vi đối xử tàn ác một cách có hệ thống của cháu đối với ông bà, con đối với cha mẹ, hoặc ngược lại, của vợ chồng đối với nhau, người được nuôi dưỡng đối với người nuôi dưỡng.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này vi phạm đến nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình được Luật hôn nhân và gia đình quy định. Đồng thời, tội phạm còn xâm phạm đến sức khoẻ và nhân phẩm, danh dự của nạn nhân.
- Khách quan: người phạm tội có hành vi ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Ngược đãi được hiểu là các hành vi như đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở, và về các mặt sinh hoạt hằng ngày khác (xỉ vả, mắng chửi…). Hành vi “hành hạ” ở đây là trường hợp cụ thể của tội hành hạ người khác (có thể tham khảo điều luật tương ứng), nhưng ở đây nạn nhân đã được cụ thể hoá là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.
Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi gây ra hậu quả nghiêm trọng (được thực hiện có hệ thống khiến nạn nhân bị giày vò về tình cảm, nhục về nhân phẩm, danh dự, đau khổ tinh thần; hoặc không thực hiện thường xuyên nhưng có tính chất đặc biệt tàn nhẫn gây xúc động lớn) hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Trong những trường hợp, cha mẹ đánh đập con cái (chưa đến mức cấu thành tội cố ý gây thương tích) với suy nghĩ rằng để dạy dỗ con và không nhận thức được đó là hành vi hành hạ con cái thì không cấu thành tội phạm.
- Chủ thể: là những người thân trong gia đình (đã nêu), có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Đây là tội ít nghiêm trọng nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.
 Đối tượng bị xâm hại quy định tại Điều 151 BLHS bao gồm:
a) Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại;
b) Cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế;
c) Vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
d) Con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng;
đ) Cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại;
e) Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.
Cần lưu ý là, chỉ những trường hợp hành hạ, ngược đãi các đối tượng nêu trên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; nếu hành vi hành hạ, ngược đãi được thực hiện đối với người không thuộc những đối tượng nêu trên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 110 BLHS; trường hợp hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo quy định tại Điều 146 BLHS.
  
c. Hình phạt:
 
Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây