Tội đăng ký hôn nhân trái pháp luật (Điều 149 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 05:30
a. Định nghĩa
 
Đăng ký kết hôn trái pháp luật là việc người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn xác nhận sự kiện kết hôn (ghi vào sổ đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn) cho người mà mình biết rõ là không đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 9 hoặc thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm chế độ quản lý việc đăng ký hôn nhân do Nhà nước quy định.
- Khách quan: người phạm tội có hành vi thực hiện việc đăng ký kết hôn cho các đối tượng không đủ điều kiện đăng ký. Không đủ điều kiện có thể là chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, đang có vợ, có chồng, hôn nhân thực tế chưa chấm dứt, bị cưỡng ép, người mất năng lực hành vi dân sự, giữa những người có dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi… v.v…
Trong thực tiễn, người đăng ký kết hôn thường viện dẫn rằng do họ bị người xin đăng ký kết hôn lừa dối nên không biết họ không có đủ điều kiện kết hôn. Vì thế, khi xem xét có dấu hiệu phạm tội hay không, cần xác định thủ tục đăng ký có đúng pháp luật hay không. Nếu thủ tục đăng ký là đúng pháp luật mà người cho đăng ký vẫn không biết được người xin đăng ký là thiếu điều kiện thì mới không thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm này. Để xem xét các đối tượng xin đăng ký kết hôn có đủ điều kiện hay không, chúng ta cần đối chiếu với các quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành. Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm. 
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội phải “biết rõ” những đối tượng đăng ký là không đủ điều kiện kết hôn, nếu không biết hoặc chỉ nghi ngờ, băn khoăn (không có cơ sở) thì không cấu thành tội phạm này.
- Chủ thể: là người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn (chức vụ, quyền hạn).
Cụ thể:
a) Người đại diện chính quyền hoặc người đại diện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ta ở nước ngoài có thẩm quyền ký giấy chứng nhận kết hôn;
b) Cán bộ hộ tịch làm thủ tục đăng ký kết hôn ở UBND xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ của Sở Tư pháp đối với trường hợp đăng ký kết hôn có nhân tố nước ngoài;
c) Cán bộ làm thủ tục đăng ký kết hôn ở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
 
c. Hình phạt:
 
Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây