Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 05:37
a. Định nghĩa: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là hành vi của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này vi phạm đến nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình được Luật hôn nhân và gia đình quy định. Đồng thời, tội phạm còn xâm phạm đến sức khoẻ của nạn nhân. Theo quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 60 Chương VI của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa:
a) Vợ và chồng;
b) Cha, mẹ và con;
c) Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu;
d) Anh chị em với nhau.
- Khách quan: người phạm tội có hành vi cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi người được cấp dưỡng yêu cầu thực hiện hành vi cấp dưỡng nhưng đã từ chối không cấp dưỡng hoặc tìm mọi cách để trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ này mặc dù có đủ điều kiện cấp dưỡng. Có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không điều kiện cấp dưỡng là do hoàn cảnh khách quan thì không cấu thành tội phạm này.
Lưu ý: nếu một người theo quyết định của một bản án đã có hiệu lực pháp luật, phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đã bị cơ quan thi hành án yêu cầu cấp dưỡng nhưng đã không thực hiện... thì không phạm tội này mà phạm tội không chấp hành án (Điều 304 Bộ luật hình sự).
Hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm mới cấu thành tội phạm.
Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ như: ốm đau, bệnh tật, v.v…). 
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Nếu hành vi không cấp dưỡng được thực hiện do vô ý (không biết mình có nghĩa vụ cấp dưỡng, như con gái lấy chồng nghĩa là không có nghĩa vụ nuôi cha mẹ) thì không cấu thành tội phạm này.
- Chủ thể: là người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng từng trường hợp cụ thể cho thấy, người phạm tội bao giờ cũng có quan hệ nhất định với người bị hại. Đây là tội ít nghiêm trọng nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.
 
c. Hình phạt:
 
Người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây