Thực hiện quy định về công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp – những điều cần lưu ý

Thứ năm - 12/09/2019 03:12
Công đoàn cơ sở (CĐCS) là tổ chức cơ sở của Công đoàn tại doanh nghiệp, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế cho thấy, vì không có công đoàn cơ sở hoặc có nhưng không phát huy được vai trò, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những rắc rối pháp lý không đáng có và thiệt hại cũng không nhỏ.
Sau đây là một số vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
công đoàn cơ sở
công đoàn cơ sở
Mục lục

1. Thành lập công đoàn cơ sở là quyền của người lao động trên cơ sở tự nguyện

Theo Điều 1 Luật Công đoàn 2012, thành lập CĐCS là quyền của người lao động, do đó về mặt pháp lý, việc thành lập CĐCS hoàn toàn là tự nguyện chứ không mang tính bắt buộc. Người lao động thực hiện quyền và không chủ thể nào kể cả doanh nghiệp được hạn chế quyền này.
Đối với doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động yêu cầu. (Điều 17 Luật Công đoàn 2012).
Như vậy, thành lập CĐCS là hoạt động hoàn toàn tự nguyện, nếu doanh nghiệp chưa có CĐCS thì công đoàn cấp trên sẽ quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

 

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thành lập công đoàn cơ sở

Về nghĩa vụ: Mặc dù CĐCS được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động nhưng doanh nghiệp có nghĩa vụ vận động người lao động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp theo yêu cầu của công đoàn cấp trên (khoản 2 Điều 189 Bộ luật Lao động 2012).
Về vi phạm và trách nhiệm: hiện nay không thành lập CĐCS không phải là hành vi vi phạm và không bị xử phạt.
Tuy nhiên theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP) doanh nghiệp có thể bị xử phạt nếu có các hành vi sau:
- Phạt tiền từ 6 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi: kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi: ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; thực hiện các biện pháp kinh tế tác động đến người lao động để người lao động không tham gia công đoàn hoặc không hoạt động công đoàn.
(Chi tiết các hành vi vi phạm về công đoàn, doanh nghiệp tham khảo tại Nghị định đã trích dẫn nêu trên tại các Điều 24, Điều 24a, Điều 24b, Điều 24c).
 

3. Điều kiện thành lập công đoàn cơ sở

Theo khoản 1 Điều 16 Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013, CĐCS được thành lập khi có ít nhất 5 (năm) Đoàn viên hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn và tán thành Điều lệ Công đoàn.
Về trình tự thủ tục thành lập CĐCS được quy định tại Điều 17 của Điều lệ, cơ bản gồm các bước:
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập CĐCS
Bước 3: Lập hồ sơ đề nghị công nhận CĐCS và công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở.

 

4. Tài chính công đoàn

Tài chính công đoàn gồm đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn.

4.1. Đoàn phí công đoàn

Đoàn phí công đoàn chỉ thu trên đoàn viên, không thu đối với người lao động không gia nhập công đoàn. Do đó, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì không thu đoàn phí từ người lao động.
Mức đóng: Đoàn viên công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp (nếu có thành lập công đoàn cơ sở) đóng mức phí hàng tháng bằng 1% lương thực lãnh (đã trừ BHXH, BHYT, BHTN).
Tỷ lệ phân phối (trong trường hợp có thu): trước đây, Điều 6 Quyết định 270/QĐ-TLĐ năm 2014 (hết hiệu lực từ 01/01/2017) quy định rõ công đoàn cơ sở được giữ lại 60%, 40% nộp lên công đoàn cấp trên. Quy định hiện hành là Hướng dẫn 1784/HD-TLĐ chỉ đề cập đến tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn, chưa có hướng dẫn về phân phối đoàn phí công đoàn. Thực tế, hiện nay tỷ lệ phân phối vẫn áp dụng 60%, 40%.

4.2. Kinh phí công đoàn

Không phân biệt công ty đã thành lập công đoàn cơ sở hay chưa, công ty phải đóng kinh phí công đoàn cho tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp (liên đoàn lao động quận, huyện) hàng tháng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH.
Tỷ lệ phân phối: công đoàn cơ sở được sử dụng 68% tổng số thu từ đoàn phí và phí công đoàn. Tuy nhiên, mức trích này chỉ áp dụng khi công ty có thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp, công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở thì phần trích này công ty không được giữ lại mà do công đoàn cấp trên thu, quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % nêu trên, phần còn dư sẽ trả lại cho công đoàn cơ sở khi được thành lập (Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ và Điểm 2.4 Khoản 2 Mục II Hướng dẫn 1784/HD-TLĐ).
Xử phạt vi phạm hành chính: Doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn có thể bị xử phạt từ 36% - 40% trên tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn (khoản 1, Khoản18 Điều 1 Nghị định 85/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 24 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Về biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, công ty phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

 

5. Sử dụng tài chính công đoàn cơ sở

Trong trường hợp Công ty thành lập công đoàn cơ sở, tài chính công đoàn được công đoàn cơ sở giữ lại để thực hiện các hoạt động:
a) Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn không quá 30%. Nếu chi không hết thì được chuyển sang chi cho các hoạt động khác. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ.
b) Chi quản lý hành chính 10%.
c) Chi hoạt động phong trào 60% (trong đó hỗ trợ du lịch 10%).
Chi tiết các hoạt động, tham khảo tại Điều 6 Quyết định số 1910/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Liên đoàn Lao động.

 

6. Truy thu kinh phí công đoàn

Theo khoản 1, khoản 18 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 24 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, truy thu được áp dụng đối với số tiền phí công đoàn chưa đóng. Quy định hiện hành không giới hạn số tiền truy thu hay số tháng truy thu, vì vậy căn cứ truy thu được tính từ thời điểm doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn.
Nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn được quy định tại Luật Công đoàn 2012 (có hiệu lực từ 01/01/2013). Tuy nhiên, Nghị định 191/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10/01/2014) mới có quy định chi tiết là doanh nghiệp dù có thành lập CĐCS hay không vẫn phải đóng kinh phí công đoàn. Do đó, trên thực tế, các cơ quan công đoàn cấp trên hiện có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm truy thu: có cơ quan truy thu từ 01/01/2013 nhưng cũng có cơ quan truy thu từ 10/01/2014.

 

7. Chức năng của công đoàn cấp trên khi công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở

Công đoàn cấp trên không có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động quản lý, hoạt động nội bộ của công ty. Tuy nhiên, công đoàn cấp trên có một số chức năng liên quan đến chế độ lao động tại công ty như sau:
- Thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động (Điều 188 Bộ Luật lao động 2012).
- Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động (Điều 10 Luật Công đoàn).
- Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 14 Luật Công đoàn);
- Đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi người lao động có yêu cầu (Điều 17 Luật Công đoàn).

Kết luận: Trên đây là một số vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp cần lưu ý trong việc thành lập, hoạt động công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật về thành lập công đoàn cơ sở nhằm cân đối lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp.

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Thực hiện quy định về công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp – những điều cần lưu ý nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề Thực hiện quy định về công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp – những điều cần lưu ý chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây