Kỹ năng của luật sư khi tham gia các vụ án xâm phạm về tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm

Thứ tư - 26/03/2025 06:02
Các vụ án xâm phạm về tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự nên phải thực hiện theo các trình tự thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự. Đồng thời, các tội danh liên quan có các mức phạt khác nhau tùy vào từng tình huống. Vậy nên, một luật sư tranh tụng hình sự cần phải có các kỹ năng cần thiết để bào chữa tranh luận và tư vấn cho thân chủ trong quá trình tham gia các vụ án.  
KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM VỀ TÍNH MẠNG SỨC KHỎE DANH DỰ NHÂN PHẨM
KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ KHI THAM GIA CÁC VỤ ÁN XÂM PHẠM VỀ TÍNH MẠNG SỨC KHỎE DANH DỰ NHÂN PHẨM
Mục lục

1.      Chuẩn bị bào chữa tại phiên tòa

Hoạt động bào chữa tại phiên toà là kết quả của quá trình lao động công phu, sáng tạo và cần mẫn của Luật sư với nhiệm vụ thu thập chứng cứ, tài liệu khách quan của vụ án để bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ mình. Bản bào chữa là sự kết tinh những giá trị pháp lý được thu thập, đánh giá, lập luận và chứng minh với mục đích thuyết phục Hội đồng xét xử, góp phần tạo lập cơ sở để Hội đồng xét xử ra một phán quyết phù hợp mà Luật sư cho rằng phán quyết đó bảo vệ được cao nhất quyền và lợi ích chính đáng của thân chủ. Trước khi bào chữa tại phiên toà, Luật sư có rất nhiều các hoạt động khác nhau.
 

2.      Nghiên cứu hồ sơ vụ án các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; nhân phẩm, danh dự của con người.

Nghiên cứu hồ sơ là hoạt động của Luật sư khi tham gia bào chữa cho bất kỳ bị can, bị cáo thuộc loại vụ án nào. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ, Luật sư tiếp cận với các chứng cứ của vụ án làm cơ sở cho việc hình thành luận cứ bào chữa. Ngoài việc tuân thủ phương pháp cũng như mục đích, yêu cầu của việc nghiên cứu hồ sơ của một vụ án nói chung, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người Luật sư cần chú ý một số vấn đề sau:
-        So với hồ sơ của nhiều loại vụ án khác, hồ sơ của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự thường không quá nhiều bút lục. Song không vì thế mà Luật sư được phép nghiên cứu hồ sơ qua loa, sơ sài.
-        Trong hồ sơ các tội phạm này thì tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, lời khai và các vật chứng là những tài liệu quan trọng chứng minh có hay không hành vi phạm tội. Luật sư cần phải nghiên cứu, xem xét toàn diện các chứng cứ này.
Đối với tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, Luật sư cần xác định xem tài liệu đó có được hình thành một cách hợp pháp không ? Có được thu thập theo đúng trình tự luật định không? Nội dung của những tài liệu này có phản ánh được sự thật khách quan của vụ án hay không? Để đánh giá được một cách chính xác tài liệu của cơ quan y tế, cơ quan giám định, Luật sư cần có những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề này. Trong trường hợp cần thiết Luật sư có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về các kết quả mà tài liệu đó thể hiện, từ đó có định hướng cho việc có đề nghị giám định lại hay không. Khi nghiên cứu các tài liệu kể trên, luật sư cần ghi chép đẩy đủ chính xác từng nội dung, từng chi tiết nhỏ để khi cần thiết tham khảo các chuyên gia, chúng ta có thể cung cấp cho họ các thông tin có liên quan một cách đầy đủ, chính xác.
Đối với lời khai của bị can, bị cáo, người bị hại, nhân chứng trong các vụ án này: thực tế cho thấy, có nhiều mâu thuẫn, nhiều nội dung không khớp nhau. Trên cơ sở tổng hợp với các chứng cứ khác, Luật sư cần cần tìm ra đâu là chứng cứ bản chất, khách quan từ đó định hướng cho việc hình thành luận cứ bào chữa. Khi nghiên cứu nội dung mỗi lời khai, Luật sư cần xác định rõ là vì sao họ biết được tình tiết đớ. Trong hoàn cảnh cụ thể đó họ có thể biết được tình tiết đó hay không? Họ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy hay qua lời kể của người khác? Họ kể lại một cách khách quan hay suy đoán, tưởng tượng?
-        Cần quan tâm đến biên bản đối chất và biên bản nhận dạng trong hồ sơ vụ án cũng như việc thực nghiệm điều tra. Trong thực tế, do lời khai của những người liên quan đến vụ án có nhiều mâu thuẫn nên cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành đối chất. Luật sư cần nghiên cứu kỹ nội dung của các biên bản đối chất đó, thông qua đó tìm ra những chứng cứ khách quan. Trong trường hợp lẽ ra phải tiến hành đối chất và việc đối chất sẽ có lợi cho thân chủ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành đối chất thì Luật sư đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành đối chất.
Biên bản nhận dạng cũng là một tài liệu hết sức quan trọng nhằm xác định chính xác người phạm tội. Về nguyên tắc, chỉ trong trường hợp cần thiết cơ quan tiến hành tố tụng mới tổ chức nhận dạng. Nếu trong hồ sơ đã có biên bản nhận đang thì Luật sư nghiên cứu kỹ biên bản này nhằm xác định tính hợp pháp và có căn cứ của nó. Nếu cơ quan có thẩm quyền chưa tổ chức nhận dạng trong trường hợp cần nhận dạng và việc nhận dạng có thể có lợi cho thân chủ mình thì Luật sư đề nghị nhận dạng. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành thực nghiệm điều tra mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành thì Luật sư cũng đề nghị để cơ quan này tiến hành thực nghiệm điều tra.
+       Cần xác định các vật chứng (công cụ, phương tiện) trong vụ án. Cần xem xét vật chứng trong mối quan hệ với kết quả giám định, với những gì còn để lại trên thân thể (thi thể) nạn nhân. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cần xác định xem vật chứng đó có được thu thập hợp pháp không ? Thực tế nó có liên quan đến vụ án hay không ? Trong những vụ án gây ra cái chết hoặc thương tích cho nạn nhân, Luật sư cần phải xem xét tính năng, tác dụng, cấu tạo của công cụ, phương tiện và những vết thương để lại trên thân thể (thi thể) nạn nhân xem có phù hợp hay không? Cách thức sử dụng công cụ, phương tiện như vậy cùng với tính năng của công cụ, phương tiện thì liệu có gây ra được hậu quả như đã xảy ra hay không? Ngoài việc xác định chính xác nguồn gây thương tích cũng cần phải xác định thời điểm gây thương tích. Cũng có nhiều trường hợp người bị hại còn bị thương tích do nguồn khác hoặc bị gây ra ở một thời điểm khác. Trong trường hợp này thân chủ không phải chịu trách nhiệm đối với thương tích này.
+       Khi nghiên cứu hồ sơ Luật sư cần phải quan tâm xác định mối quan hệ giữa bị can, bị cáo với người bị hại, người làm chứng và những người khác có liên quan. Việc xác định chính xác các mối quan hệ này có thể cho phép xác định độ tin cậy, tính khách quan của các lời khai. Phải xác định xem giữa bị can, bị cáo với người bị hại, người làm chứng có thù hằn, mâu thuẫn gì không? Giữa người làm chứng với người bị hại có mối quan hệ thân thiết gì không? Người làm chứng có bị đe doạ, mua chuộc hay không ? ...
+       Hoàn cảnh và động cơ phạm tội cũng là một vấn đề quan trọng Luật sư cần quan tâm khi nghiên cứu hồ sơ. Luật sư phải trả lời câu hỏi: Bị can, bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh, thời gian, địa điểm nào? Hoàn cảnh đó có thực hiện được hành vi phạm tội không ? Nếu thực hiện được thì các yếu tố nói trên chi phối như thế nào đến hành vi phạm tội ? Trong trường hợp động cơ thúc đẩy hành vi phạm tội là động cơ tích cực thì Luật sư cần làm rõ để có thể chuyển tội danh (Nếu do phòng vệ mà vượt quá dẫn đến chết người thì bị cáo chỉ bị xét xử về tội "giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" (Điều 126 BLHS) với mức hình phạt nhẹ chứ không bị xử về tội "giết người" (Đ123 BLHS).
+       Xem xét các tình tiết tăng nặng định khung mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không ?
+       Các tài liệu tố tụng cũng cần phải được đọc kỹ xem có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không? Bị can, bị cáo có bị ép cung, bức cung hay không? Nếu nghi ngờ thân chủ bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì có thể đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
+       Ngoài việc xác định các tài liệu chứng minh trách nhiệm hình sự, Luật sư cần xem xét yêu cầu bồi thường của phía bị hại xem có phù hợp không ? Những yêu cầu nào không hợp pháp, không phù hợp với thực tế khách quan thì đề nghị toà không chấp nhận.
+       Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Luật sư đồng thời hình thành các câu hỏi cần làm rõ hoặc khi gặp thân chủ hay những người có liên quan.
 

3.      Gặp và trao đổi với thân chủ và những người khác liên quan

(a)     Gặp và trao đổi với thân chủ

Việc gặp thân chủ cũng có ý nghĩa bắt buộc như việc nghiên cứu hồ sơ, bởi thông qua thân chủ Luật sư có thêm nhiều thông tin, chứng cứ, hiểu được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của họ. Khi gặp và trao đổi với những bị can, bị cáo phạm các tội thuộc chương này, Luật sư cần lưu ý một số vấn đề sau :
+       Nhìn chung bị can, bị cáo phạm các tội này có trình độ học vấn không cao, hiểu biết xã hội hạn chế, nhiều người có nhân thân xấu, vì vậy Luật sư cần gần gũi phân tích để họ hiểu được các quy định của pháp luật cũng như hành vi của họ thực hiện.
+       Cần hỏi thân chủ xem có phải chính họ là người thực hiện hành vi hay không? Những điều họ khai với cơ quan điều tra, viện kiểm sát có dúng như thực tế hay không ? Họ thực hiện hành vi do động cơ nào thúc đẩy? Họ có bị xúi giục, ép buộc không ? Có những người nào tham gia thực hiện hành vi cùng với họ hay là chỉ một mình họ ?
+       Trong một số trường hợp do xấu hổ hoặc do muốn che giấu hành vi đã thực hiện, bị can, bị cáo thường quanh co, che giấu những điều đã làm (đặc biệt đối với những trường hợp phạm tội về tình dục), do vậy luật sư cần kiên trì giải thích, thuyết phục để họ trình bày sự thật, từ đó có hướng bào chữa tại phiên toà.
+       Luật sư cũng cần yêu cầu thân chủ cung cấp chứng cứ về những tình tiết giảm nhẹ, những đặc điểm tốt thuộc về nhân thân để làm cơ sở đề nghị Toà án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
+       Đề nghị thân chủ (hoặc gia đình họ) trong điều kiện có thể cần tiến hành bồi thường cho bị hại, gặp xin lỗi và động viên bị hại (hoặc gia đình họ) để có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ và nhận thái độ tốt của bị hại và gia đình tại phiên toà:
+       Trao đổi với thân chủ để họ trả lời các câu hỏi ngắn gọn, đúng ý, tránh việc trình bày quá dài dòng, lan man thiếu trọng tâm. Ðồng thời cũng phân tích cho họ hiểu các quy định của pháp luật về tội danh mà Viện kiểm sát truy tố để họ có thể trả lời câu hỏi sao cho có lợi cho mình. Ðặc biệt nhắc thân chủ cần có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác.
+       Trao đổi để thân chủ có thể chủ động chuẩn bị trước nội dung, hình thức thể hiện phần bào chữa của họ cũng như lời nói sau cùng tại phiên toà.
        

(b)     Gặp và trao đổi với những người liên quan khác

+       Ðối với người bị hại: Việc gặp gỡ, trao đổi với người bị hại là rất cần thiết. Luật sư có thể gặp gỡ người bị hại (hoặc gia đình họ để hỏi thêm về một số chi tiết của vụ án, động viên, an ủi họ để tránh sự căng thẳng tại phiên toà có thể sẽ bất lợi cho bị cáo.
+       Ðối với người làm chứng: Chỉ gặp gỡ, trao đổi với người làm chứng khi thấy cần thiết (thường là thấy lời khai của họ mâu thuẫn, họ đã bị mua chuộc cưỡng ép). Khi gặp người làm chứng luật sư có thể mang theo máy ghi âm hoặc đối với lời khai của họ có lợi cho thân chủ, sau khi lấy lời khai có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận. Luật sư cũng cần giải thích trách nhiệm khai báo trung thực, chính xác của người làm chứng để họ ý thức đầy đủ hơn về vấn để này.
 

4.      Xây dựng bản bào chữa

         Bản bào chữa là kết quả của quá trình nghiên cứu, xem xét và đánh giá các chứng cứ của Luật sư. Mục đích cuối cùng của bản bào chữa là thuyết phục được Hội đồng xét xử giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và đảm bảo được cao nhất quyền lợi của thân chủ mình. Tuỳ vào khả năng và kinh nghiệm cá nhân mà Luật sư có thể xây dựng bản bào chữa theo hai hình thức:
-        Bản bào chữa đầy đủ
-        Bản bào chữa sơ lươc: Sẽ phân tích, lập luận, bổ sung tại phiên toà.
         Dù bản bào chữa ở hình thức nào thì cũng cần tập trung vào một trong những hướng sau đây:
         * Thứ nhất: Trong trường hợp bào chữa theo hướng không phạm tội cần phải làm rõ những căn cứ pháp lý chứng minh điều đó, có thể là:
+       Thân chủ hoàn toàn không có hành vi phạm tội
+       Tuy thân chủ thực hiện hành vi nhưng hậu quả xảy ra không phải là kết quả của duy nhất hành vi đó.
+       Tài liệu y học, tài liệu giám định không đủ cơ sở để buộc tội thân chủ (nạn nhân chết do tự sát chứ không phải do thân chủ giết, thương tích chưa đủ để phải chịu trách nhiệm hình sự, lông tóc để lại trên hiện trường trong vụ án hiếp dâm là của người khác chứ không phải của thân chủ...)
+       Hành vi không thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm (thân chủ không có lỗi, không thoả mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt, hành vi không được coi là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm...)
+       Lời khai của người làm chứng, của người bị hại, của các bị cáo liên quan cũng như những tài liệu khác không đủ chứng minh hành vi của bị cáo là phạm tội.
+       Thân chủ thực hiện hành vi do phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết hay sự kiện bất ngờ.
         * Thứ hai: Bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn cho thân chủ.
         Ở Chương này có rất nhiều tội danh có cấu thành tội phạm gần giống nhau và vì vậy nên mức hình phạt cũng khác nhau. Nếu thân chủ của mình bị truy tố về tội có khung hình phạt nặng mà có đủ cơ sở để bào chữa sang tội danh khác có hình phạt nhẹ hơn thì Luật sư phải chuyển ngay sang hướng này. Ví dụ: Từ tội "giết người" sang tội "giết người do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng"" hay tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" hoặc từ tội "hiếp dâm" sang tội “cưỡng dâm"...
         Trong những trường hợp này Luật sư cần bám chắc vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội nhẹ hơn, từ đó đối chiếu với các tình tiết của vụ án để phân tích, lập luận, thuyết phục Hội đồng xét xử. Khi chứng minh rằng hành vi của bị cáo cấu thành một tội danh nhẹ hơn thì đồng thời phải chứng minh rằng hành vi đó không thoả mãn các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố.
         * Thứ ba: Bào chữa theo hướng giảm nhẹ cho thân chủ
         Trong trường hợp này Luật sư cần xây dựng một bản bào chữa thuyết phục mà nền tảng của nó là những vấn đề sau:
-        Tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra.
-        Hoàn cảnh, điều kiện thực hiện hành vi phạm tội.
-        Thái độ của bị cáo tại phiên toà, trước cơ quan điều tra.
-        Sự ăn năn, hối cải, sự khai báo thành khẩn.
-        Vấn đề bồi thường, thành tích trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác.
-        Bị cáo bị rủ rê, lôi kéo, do hoàn cảnh gia đình.
-        Nhận thức của bị cáo...
         * Thử tư: Bào chữa theo hướllg trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại.
         Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án, qua việc thẩm vấn tại phiên tòa, đối chiếu với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nếu thấy có căn cứ, luật sư có thể đề nghị toà trả hồ sơ điều tra lại hoặc điều tra bổ sung (tuỳ theo cấp xét xử)
 

5.      Tham gia phiên tòa

-        Trong phần khai mạc phiên toà:
+       Nắm danh sách người làm chứng mà toà triệu tập. Nếu thiếu người làm chứng quan trọng và có lợi cho thân chủ thì đề nghị hoãn phiên toà.
+       Trong trường hợp cần giám định viên có mặt tại phiên toà để giải thích kết quả giám định thì đề nghị toà triệu tập giám định viên.
+       Nếu thiếu vật chứng để đưa ra xem xét tại phiên toà thì đề nghị toà giải quyết vấn đề này, nếu xét thấy có lợi cho thân chủ.
-        Trong phần xét hỏi:
+       Ghi chép đầy đủ những vấn đề cần thiết mà những người tham gia tố tụng đã trả lời Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và những người khác.
+       Cần bổ sung kịp thời những câu hỏi cần thiết sau khi đã nghe xét hỏi (ngoài những câu hỏi đã chuẩn bị trước khi mở phiên toà).
+       Khi xét hỏi cần hỏi dứt khoát và xoáy sâu vào những mâu thuẫn nhằm đảm bảo có lợi cho thân chủ mình. Ngoài những câu hỏi trực tiếp, trong trường hợp đối tượng được hỏi chuẩn bị trước nội dung trả lời, Luật sư cần đặt ra câu hỏi từ xa.
+       Ðối với thân chủ của mình, Luật sư nên đặt ra những câu hỏi rõ ràng để họ có cơ hội trình bày, lý giải về những điều có lợi cho bản thân họ trước Hội đồng xét xử.
+       Trong trường hợp bản giám định có những mâu thuẫn và có giám định viên tham gia phiên toà thì cần đặt câu hỏi xoáy sâu vào những mâu thuẫn đó.
-        Trong phần tranh luận:
+       Cần bám vào nội dung cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát cũng như ý kiến của bị hại và quan điểm của Luật sư bảo vệ họ để đưa ra những luận điểm phù hợp mang tính thuyết phục cao.
+       Cần phối hợp với thân chủ để tạo ra hiệu quả của việc bào chữa.
+       Các luận điểm đưa ra phải dễ hiểu, ngắn gọn, tập trung đồng thời phải nêu rõ chứng cứ đó được thể hiện ở bút lục nào.
+       Ngôn ngữ, giọng điệu vừa đanh thép, vừa nhẹ nhàng tình cảm khi cần.
-        Trong phần tuyên án:
         Luật sư cần theo dõi và ghi chép việc HÐXX tuyên phạt thân chủ của mình về tội danh gì, mức phạt cụ thể như thế nào, mức bồi thường bao nhiêu để sau phiên toà giúp thân chủ kháng cáo theo đúng luật định.

Như vậy, là một luật sư tham gia các vụ án xâm phạm tính mạng sức khỏe danh dụ nhân phẩm cần phải có các kỹ năng cần thiết nêu trên, đồng thời Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn là điều không thể thiếu của một luật sư tranh tụng giỏi. Điều này giúp họ nhìn nhận, đánh giá, đưa ra phương hướng giải quyết tối ưu và hài lòng cho khách hàng. Với kinh nghiệm hơn 12 năm hành nghề luật, Văn phòng Luật sư Tô Đình Huy sở hữu đội ngũ luật sư được đào tạo bài bản, có kiến thức pháp lý, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực tranh tụng sâu rộng đã tư vấn hỗ trợ và đại diện tham gia tố tụng rất nhiều vụ việc khác nhau sẽ giúp quý khách hàng giải quyết các tranh chấp hiệu quả. 
>>> Tham khảo bài viết: "Chi phí thuê luật sư bào chữa vụ án hình sự" 

Chuyên đề trên đây là chia sẻ của chúng tôi về vấn đề “Kỹ năng của luật sư trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác” nhằm hỗ trợ người đọc có thêm kiến thức về pháp luật, không nhằm mục đích thương mại. Các thông tin trong chuyên đề chỉ là quan điểm cá nhân người viết, người đọc chỉ tham khảo. Chúng tôi đề nghị Quý Khách hàng nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ Luật sư của chúng tôi đối với các vấn đề cụ thể. Các yêu cầu giải đáp thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng của chúng tôi theo địa chỉ phía trên hoặc liên hệ qua Hotline: 0978845617, Email: info@luatsuhcm.com.

Tác giả: Quyên Phạm Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây