Điều kiện về thời điểm thành thai và sinh ra
Để được hưởng quyền thừa kế thì thai nhi cũng cần có những điều kiện nhất định. Thai nhi chỉ được hưởng thừa kế khi đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế hoặc trước thời điểm mở thừa kế, sinh ra và còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Xét về điều kiện sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 613 BLDS năm 2015 thì còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên một đứa trẻ sinh ra và được xã hội công nhận sự tồn tại của nó khi nó được khai sinh. Hiện nay chưa có văn bản nào giải thích rõ hiểu như thế nào là “trẻ sinh ra và còn sống”. Tại Điều 15 của Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 158/2005 NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về quản lý hộ tịch thì: “Trẻ em sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng kì khai sinh và đăng kí khai tử. Nếu cha, mẹ không đi đăng kí khai sinh và khai tử thì cán bộ hộ tịch tư pháp tự xác định nội dung để ghi vào Sổ khai sinh và Sổ khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng kí khai sinh và sổ đăng kí khai tử phải ghi rõ “Trẻ chết sơ sinh”. Vì vậy, có thể xác định được là điều kiện còn sống ở đây là sống được từ 24 giờ trở lên. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu đừa trẻ đó sinh ra nhưng chỉ sống được một thời gian thì phần di sản đó được chia cho chính những người thừa kế của đứa trẻ đó, còn nếu đứa trẻ được sinh ra nhưng sống được dưới 24 giờ hoặc chết trước khi sinh ra thì di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế khác.
Điều kiện về huyết thống thai nhi
Một điều kiện khác cũng được những người thừa kế khác quan tâm nữa đó là huyết thống của thai nhi. Liệu nếu thai nhi đó không phải là con của người để lại di sản thì có được hưởng di sản thừa kế hay không? Để trả lời cho câu hỏi này thì phải xét trong từng trường hợp cụ thể. Nếu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thì bắt buộc thai nhi phải là con của người để lại di sản thừa kế mới được hưởng thừa kế. Bởi lẽ chỉ khi là con ruột của người để lại di sản thì thai nhi đó mới có tư cách hưởng di sản ngang bằng với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu chứng minh được đứa trẻ sinh ra không phải là con của người để lại di sản thừa kế thì đứa trẻ đó không được hưởng thừa kế. Tuy nhiên khi phân chia di sản theo di chúc thì người lập di chúc có thể chỉ định quyền hưởng thừa kế cho bất kì ai, do đó, người
đã thành thai, sinh ra và còn sống sau khi người để lại di sản chết là con của bất kì ai mà người lập di chúc muốn cho hưởng. Có thể xảy ra hai trường hợp:
- Nếu người lập di chúc chỉ rõ người lập di chúc muốn để lại di sản cho người đã thành thai và nói rõ là con của cha, mẹ nào, thì phải xác định người đó đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế, và người đó phải là con của cha, mẹ đã được nêu trong di chúc.
- Trong trường hợp người để lại di sản không nói rõ là con của cha, mẹ nào, thì chỉ cần xác định người đó đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế, sinh ra và còn sống sau khi người để lại di sản chết. Người đó sẽ có quyền hưởng di sản theo di chúc mà không cần xác định cha là ai.
Trường hợp sinh đôi trở lên thì việc thừa kế có thể phải chia lại để đảm bảo nguyên tắc hưởng di sản bằng nhau của những người thừa kế. Tuy nhiên khi di sản thừa kế khi đã được chia rồi thì việc tiến hành chia lại sẽ gặp nhiều phức tạp. Vì vậy với công nghệ ngày càng hiện đại thì trước khi chia thừa kế cần chuẩn đoán và xác định thai nhi là một hay nhiều thai nhi để thuận lợi trong việc chia thừa kế.
>> Xem thêm: Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế
Chúng tôi trên mạng xã hội