Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Thứ hai - 07/04/2025 05:12
Quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng thì phạt vi phạm không phải là điều khoản bắt buộc của hợp đồng. Để có thể thực hiện việc phạt hợp đồng khi có sự vi phạm hợp đồng thì tại thời điểm kí kết hợp đồng hoặc khi sửa đổi, bổ sung, phụ lục hợp đồng, các bên phải thỏa thuận về vấn đề này. Thỏa thuận vấn đề này phạt vi phạm thể hiện như thế nào trong hợp đồng? trường hợp nào phải chịu phạt, mức phạt và những trường hợp miễn trừ như thế nào trong hợp đồng. Hãy cùng chúng tôi phân tích và làm rõ các vấn đề này trong bài viết này.
Boi thuong thiet hai trong hop dong
Boi thuong thiet hai trong hop dong
Mục lục

1. Khái niệm chế tài bồi thường thiệt hại

Cũng giống như phạt vi phạm, chế tài bồi thường thiệt hại được quy định lần đầu ở Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, sau đó là Luật Thương mại (LTM) 1997, Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS)… và gần đây nhất là Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015. Cũng như điều khoản phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại là một trong những điều khoản quan trọng được các bên sử dụng thường xuyên nhất.
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 không nêu lên khái niệm về chế tài bồi thường thiệt hại, chỉ nêu rằng trong trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại (điều 29).
Khoản 1, điều 302 LTM 2005 có định nghĩa đầy đủ về việc bồi thường thiệt hại, trong đó “bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. Quy định này của LTM 2005 là kế thừa và gần giống như quy định trong LTM 1997 vì khái niệm bồi thường thiệt hại trong LTM 1997 là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra (điều 229 LTM 1997).
BLDS 2005 và BLDS 2015 không định nghĩa thế nào là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Tuy nhiên, BLDS 2015 có nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ nói chung tại điều 360 Luật này:
“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Có thể hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng dân sự là loại trách nhiệm dân sự mà theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. Như vậy về cơ bản thì khái niệm từ góc độ luật dân sự và khái niệm do LTM 2005 quy định không có gì khác nhau.
Nếu như các bên không ấn định mức phạt trong hợp đồng thì khi một bên vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại. Bên vi phạm phải phục hồi quyền lợi cho bên bị vi phạm, bao gồm: bồi thường thiệt hại, chi phí, mất mát, tổn thất mà một bên phải gánh chịu do bên kia vi phạm hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại, chế tài bồi thường thiệt hại không nhất thiết phải được thoả thuận trong hợp đồng như phạt vi phạm mà nó được áp dụng trong mọi trường hợp có thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Như vậy, LTM 2005 và BLDS 2015 đều có quy định giống nhau là nếu như phạt vi phạm có chức năng chủ yếu là trừng phạt, giáo dục và phòng ngừa thì bồi thường thiệt hại có chức năng chủ yếu là bồi hoàn, bù đắp khôi phục lợi ích vật chất bị thiệt hại cho bên bị vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Với mục đích này, chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại thực tế xảy ra.

2. Căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại

Theo điều 303 của LTM 2005, việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại phát sinh khi chỉ cần có đủ các yếu tố sau:  
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Có thiệt hại thực tế;
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Nếu thiếu một trong các yếu tố nói trên, chẳng hạn có hành vi vi phạm hợp đồng mà không phát sinh thiệt hại thực tế hay hành vi vi phạm không trực tiếp dẫn đến thiệt hại thực tế hoặc lỗi không thuộc bên vi phạm mặc dù có thiệt hại...thì không thể đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại. 
 

>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư soạn thảo hợp đồng

3. Mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định lần đầu tiên trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, theo đó tại điều 29 có quy định như sau:
“b) Tiền bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị số tài sản mất mát, hư hỏng, số chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm gây ra; tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba là hậu quả trực tiếp của sự vi phạm này gây ra.”.
Đến Luật Thương mại 1997 thì mức bồi thường thiệt hại được quy định chặt chẽ hơn theo đó:
“Số tiền bồi thường thiệt hại gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi đáng lẽ được hưởng mà bên có quyền lợi bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm hợp đồng gây ra. Số tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng.” (khoản 2 điều 229 LTM 1997)
Luật Thương mại 2005 mang tính kế thừa Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 và LTM 1997. Theo quy định tại khoản 2, điều 302 LTM 2005 thì:
“giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Điều 360 BLDS 2015 cũng có quy định về mức bồi thường thiệt hại, theo đó: “trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. 
Ngoài ra, BLDS 2015 còn có quy định tại điều 419 về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó:
“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản  2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”
Quy định này trong BLDS 2015 là đổi mới hơn nhiều so với BLDS 2005, BLDS 2005 không có quy định vấn đề thiệt hại được bồi thường do vi phạm thành một điều luật riêng. Thay vào đó vấn đề này được lồng ghép vào Điều 422 BLDS 2005 với nội dung:
“3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại, nếu không có thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.”
Như vậy theo quy định của BLDS 2015, bên vi phạm ngoài bồi thường tổn thất về vật chất cho bên bị vi phạm còn có thể có nghĩa vụ bồi thường cả về tinh thần. Mức bồi thường tổn thất về mặt tinh thần do Tòa án quyết định.
Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng
với mức độ lỗi của mình ( căn cứ điều 363 BLDS 2015).
Để được bồi thường thiệt hại, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh những thiệt hại thực tế đã xảy ra, có thể ở dạng:
  • Tổn thất do hàng hóa bị mất, bị hỏng, bị giảm sút về chất lượng…
  • Tổn thất về khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, ví dụ: thiệt hại do bị người thứ ba hủy hợp đồng.
  • Chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra như tiền thuê kho bãi, chi phí vận chuyển, bốc dỡ, trông giữ hàng hóa…
Về nguyên tắc, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, song, cần lưu ý đến quy định về nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm. Có nghĩa là, nếu bên bị vi phạm cố ý để mặc cho thiệt hại xảy ra mà không có biện pháp ngăn chặn thì không được bồi thường toàn bộ thiệt hại, cho dù đã chứng minh tổn thất thành công.
Một điểm cần lưu ý nữa là theo khoản 3 điều 302 BLDS 2015, “Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”. Điều này cũng được quy định tương tự tại khoản 2, điều 294 LTM 2005. Như vậy nếu chứng minh được hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm khiến bên vi phạm vi phạm hợp đồng và xảy ra thiệt hại thì bên vi phạm cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo LTM 2005 thì số tiền bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm hai khoản:
  • Thứ nhất là bên vi phạm phải bồi thường “giá trị tổn thất thực tế trực tiếp”, tức là chỉ bồi thường những thiệt hại vật chất trực tiếp và thực tế chứ không phải bồi thường những thiệt hại tinh thần, gián tiếp, suy đoán. Bồi thường “giá trị tổn thất thực tế trực tiếp” cũng có nghĩa là không bồi thường những thiệt hại xa xôi, đột xuất mà lúc ký kết hợp đồng các bên không lường trước được. Chẳng hạn, người bán FOB mang hàng ra cảng để giao cho người mua, nhưng người mua đưa tàu đến chậm, người bán lưu kho hàng hóa, sau đó bị bão lụt nên hàng hóa bị hư hỏng. Ở đây, chi phí lưu kho là thiệt hại, người mua phải bồi thường, còn thiệt hại hàng hóa do bão lụt là sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xa xôi, đột xuất mà lúc ký kết hợp đồng hai bên không lường trước được. Sự kiện bất khả kháng là một trong những căn cứ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 
  • Thứ hai, bên vi phạm phải bồi thường “khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.” Trong các khoản thiệt hại đòi bồi thường thì khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (gọi tắt là lãi mất hưởng) là khoản thường gây tranh cãi. Trên thực tế, việc chứng minh lãi mất hưởng một cách hợp lý là điều không dễ dàng. Để đòi lãi mất hưởng, bên bị vi phạm phải cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh khoản lãi mất hưởng là hợp lý và phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên kia. Việc chứng minh là không dễ dàng do bên bị vi phạm phải chứng minh những khoản thu nhập mà trên thực tế mình đã không có được (không xảy ra trên thực tế). Thông thường, những đơn đặt hàng chính thức, hay các hợp đồng đã ký với khách hàng được coi là những bằng chứng hợp lý. Những khoản lãi mang tính chất suy đoán mà không được chứng minh sẽ bị từ chối bồi thường. 
Khi tranh chấp thương mại phát sinh, tòa án và trọng tài thương mại sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp. Vấn đề phạt vi phạm sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp căn cứ theo hợp đồng giữa các bên sau khi chứng minh hành vi vi phạm của bên kia tuy nhiên đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại thì việc chứng minh thiệt hại thực tế và xác định số tiền bồi thường còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, bồi thường thiệt hại là giá trị thiệt hại thực tế, trực tiếp + khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ nếu như không có hành vi vi phạm hợp đồng. Điều 303 LTM về bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại thực tế là do mối quan hệ nhân quả giữa việc vi phạm gây ra sự thiệt hại cho bên bị vi phạm. Có trường hợp các bên thỏa thuận vs nhau một mức bồi thường để dễ thực hiện nhưng pháp luật ít khi chấp nhận mức thỏa thuận ấy. Mặc dù đã có các căn cứ để xác định mức độ bồi thường thiệt hại nhưng không phải lúc nào việc xác định bồi thường cũng dễ dàng với cơ quan giải quyết tranh chấp.
BLDS 2015 chỉ nêu nguyên tắc chung trong việc xác định mức bồi thường là nếu một bên gây thiệt hại cho một bên khác thì phải bồi thường cho bên này toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hay luật có quy định khác ( điều 13 và điều 360 BLDS 2015). Còn khoản 2 điều 419 (BLDS 2015) chỉ đề cập thiệt hại là lợi ích mà lẽ ra người có quyền (bên bị vi phạm) sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và các chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Do đó, rất khó xác định được các loại thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường từ các quy định này. Đáng lẽ quy định của một bộ luật gốc như BLDS 2015 không thể ở trạng thái mơ hồ như vậy. So với quy định tại điều 302 LTM 2005 thì quy định về cách tính bồi thường thiệt hại rõ ràng hơn rất nhiều.


>> Xem thêm: Biểu phí dịch vụ soạn thảo hợp đồng

4. Nguyên tắc đòi bồi thường thiệt hại

Để đòi bồi thường thiệt hại thành công, bên bị vi phạm phải tuân thủ hai nguyên tắc rất quan trọng sau đây: 
+ Nguyên tắc hạn chế tổn thất: Theo đó, bên đòi bồi thường thiệt hại phải áp dụng những biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất. Nếu bên đòi bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt tiền bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được” (Điều 305, LTM 2005). Quy định này của Luật Thương mại cũng giống với quy định của Công ước Viên 1980 khi áp dụng chế tài này.
Điều 362 BLDS 2015 cũng có quy định về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại, theo đó: “bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Mới nhìn qua quy định này có vẻ hợp lý, song nếu xét kỹ có thể thấy nó rất bất lợi cho bên bị vi phạm và không khả thi, đặc biệt là khi bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra. Quy định này có thể bị bên vi phạm lợi dụng dẫn tới việc bên bị vi phạm có thể sẽ không thu được một chút tiền bồi thường nào.
Đây cũng là cách tiếp cận của điều 305 LTM 2005. Theo đó “bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”.
Điều dễ thấy là quy định này còn đầy đủ hơn quy định nêu trên của BLDS 2015 ở chỗ nó đưa ra được chế tài trong trường hợp bên bị vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất của mình. Rõ ràng bên vi phạm không thể khởi kiện được bên có quyền trong trường hợp này nhưng bên bị vi phạm không thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường đối với phần thiệt hại mà mình không áp dụng các biện pháp hợp lý để giảm thiểu. Thậm chí, pháp luật một số nước như Pháp còn chưa công nhận nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm.
+ Nguyên tắc các khoản thiệt hại phải được tính toán và chứng minh một cách hợp lý (Điều 302 LTM 2005). Tính hợp lý ở đây được đánh giá một cách khách quan, dựa trên thực tiễn các yếu tố của tranh chấp và của thị trường. Nguyên tắc này không cho phép các bên thổi phồng thiệt hại của mình lên một cách vô căn cứ, bất hợp lý. Một số vụ việc tranh chấp trong thực tiễn, bên bị vi phạm yêu cầu được bồi thường theo mức thiệt hại do bên bị vi phạm tự tính toán nhưng bị tòa án bác bỏ. Vì nhiều trường hợp bên bị vi phạm đưa ra lý lẽ tính toán bất hợp lý, không khách quan, cao hơn giá trị thị trường. Do vậy tòa án trong thực tế xét xử cũng phải chú ý tính toán mức bồi thường sao cho phù hợp với thực tế và giá trị thị trường tại thời điểm xảy ra vụ việc nếu không sẽ dẫn tới tính sai mức bồi thường, cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thiệt hại thực tế. 
Trên thực tế, có nhiều công ty đồng ý trả tiền bồi thường nhưng dây dưa một vài năm cho tới hàng chục năm. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp bên vi phạm gây thiệt hại lớn cho bên bị vi phạm, tòa án phán quyết bên vi phạm phải trả tiền bồi thường cho bên bị vi phạm, nếu trả chậm sẽ phải tính thêm tiền lãi. Bên vi phạm đồng ý nhưng họ nói rằng họ chưa trả được ngay, khoản tiền bồi thường cả gốc lẫn lãi sẽ chỉ được trả sau 2 năm khi họ có tiền, vậy trong trường hợp ấy doanh nghiệp bị vi phạm sẽ quyết định thế nào?
Trong trường hợp đòi được số tiền bồi thường ấy thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị vi phạm còn ổn hay không vì việc nhận tiền bồi thường ấy sẽ kéo rất dài (1 năm, 2 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm…) . Đến khi đòi được tiền thì liệu doanh nghiệp họ còn tồn tại nữa không. Do vậy việc đưa các điều khoản về bồi thường khiến đối tác có trách nhiệm hơn và cân nhắc hơn trong chuyện thực hiện hợp đồng nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng đó là một “tấm lá chắn” chắc chắn có thể bảo vệ được doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Nguyên tắc bồi thường theo luật của các nước có sự khác nhau. Đối với các nước có nền kinh tế phát triển, luật pháp cho phép đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần tức là những thiệt hại mà người ta khó có thể tính toán được một cách vật chất, mang tính vô hình nhiều hơn, khó tính toán bằng con số thật mà chỉ tính toán được một cách tương đối (do tòa án quy định). Ví dụ như bên vi phạm hợp đồng làm cho bên bị vi phạm mất uy tín kinh doanh nhưng khó có thể lượng hóa được sự mất uy tín kinh doanh này sẽ làm cho bên bị vi phạm thiệt hại về mặt vật chất là bao nhiêu. Trong khi đó, đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển mà Việt Nam là một ví dụ, LTM 2005 quy định bên bị vi phạm chỉ được đòi bồi thường thiệt hại thực tế, trực tiếp, là tổn thất thực sự được tính toán bằng những con số.


>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư tranh tụng tại Tp.HCM
 

5. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Giống như phạt vi phạm, pháp luật cũng quy định những trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như rơi vào sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, miễn trách nhiệm do thỏa thuận của các bên chủ thể trong hợp đồng (điều 294 LTM 2005).
Cần lưu ý khi áp dụng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng, việc chứng minh các trường hợp được miễn trách nhiệm thuộc nghĩa vụ của bên có hành vi vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm nếu muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng thì phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng còn phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. Nhiều trường hợp trong thực tế một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng nên gây thiệt hại cho bên kia nhưng bên vi phạm không thông báo ngay cho bên bị vi phạm biết dẫn tới khi đưa vụ việc ra tranh chấp tại tòa, bên vi phạm mặc dù gặp sự kiện bất khả kháng nhưng vẫn phải bồi thường thiệt hại.

6. Một số kiến nghị về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Theo khoản 2, Điều 302 LTM 2005: “Bồi thường thiệt hại là việc bên bị vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. Bản chất của hình thức chế tài này khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất cho bên bị vi phạm. Với chức năng này, chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm gây ra thiệt hại thực tế. Căn cứ để áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại là có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Ba căn cứ này đã thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 302 LTM 2005. Quy định tại điều 303 LTM 2005 lại nhắc lại ba căn cứ trên một lần nữa là không cần thiết. Ngoài ra thì vấn đề lỗi của bên vi phạm cũng là một căn cứ rất quan trọng nhưng trong luật lại không đề cập đến.
Về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm pháp luật và có lỗi khi vi phạm. Lỗi là trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của một người về hành vi của người đó và hậu quả của hành vi. Trong khoa học pháp lý, lỗi được phân thành nhiều loại như lỗi vô ý, lỗi cố ý... Vấn đề trạng thái tâm lý và nhận thức chỉ có thể đặt ra đối với một con người cụ thể. Trong khi đó, chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế trước đây và hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay chủ yếu là các tổ chức kinh doanh. Việc xác định trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của các tổ chức không chính xác nên lỗi khi vi phạm hợp đồng là lỗi “suy đoán”. Bên vi phạm hợp đồng bị coi là có lỗi nếu không chứng minh được là mình không có lỗi. Nếu bên vi phạm chứng minh được là mình không có lỗi sẽ được miễn trách nhiệm. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 và LTM 1997 đều có các quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm khi họ không có lỗi. LTM 2005 lại không đề cập đến yếu tố lỗi là căn cứ để áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong thương mại không cần xem xét bên vi phạm có lỗi hay không. Trong một số điều khác của Luật Thương mại còn quy định về lỗi cố ý của bên vi phạm, như: Điều 238 quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic và Điều 266 quy định về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định. Nếu nhà làm luật cho rằng, đây là những trường hợp ngoại lệ thì cần phải lưu ý ngay trong quy định chung về các căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại là trừ những trường hợp nào.
Điều 303 chỉ trừ những trường hợp quy định tại Điều 294 mà không đề cập đến Điều 238 và Điều 266. Việc quy định không khoa học và không thống nhất như vậy là nguyên nhân gây ra các cách hiểu khác nhau làm cho Luật Thương mại không được áp dụng một cách thống nhất. Bởi vậy, những bất cập nêu trên cần phải lưu ý khi sửa đổi LTM 2005 để luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

Tác giả: LS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây