Phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Thứ hai - 07/04/2025 00:37
Khi một hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập và có hiệu lực pháp luật, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Việc vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ) sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do pháp luật quy định. Một trong những chế tài đó là phạt vi pham hợp đồng, quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào, cùng chúng tôi phân tích và làm rõ các vấn đề liên quan dưới đây.
Phat vi pham trong hop dong mua ban hang hoa
Phat vi pham trong hop dong mua ban hang hoa
Mục lục

1. Khái niệm phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Chế tài phạt vi phạm đã được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Thương mại 1997, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, Bộ luật Dân sự 2005… Và với sự ra đời của chế tài phạt vi phạm được quy định trong Luật Thương mại 2005 thì phạt vi phạm thực sự trở thành một chế định quan trọng để bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại.
Hiện nay, chế tài này ngày càng được các bên sử dụng nhiều hơn như một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của mình trong các quan hệ hợp đồng hợp tác kinh tế.
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 không có khái niệm về phạt vi phạm mà chỉ có quy định:
“Tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế do các bên thoả thuận trong khung phạt đối với từng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định của pháp luật, các bên có quyền thoả thuận về mức tiền phạt” (điều 19).
Khái niệm về chế tài phạt vi phạm được quy định lần đầu trong LTM 1997. Theo đó, “phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng, nếu trong hợp đồng có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” (điều 226 LTM 1997).
Tiếp thu tinh thần của LTM 1997, LTM 2005 quy định:
“Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại điều 294 của Luật này” (điều 300 LTM 2005).
Theo quy định trên thì chủ thể có quyền đòi phạt vi phạm là bên bị vi phạm, chủ thể có nghĩa vụ là bên vi phạm, khách thể trong quan hệ này mà các bên hướng đến là một khoản tiền phạt vi phạm.
Khoản 1 điều 418 BLDS 2015 quy định:
“Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.”

2. Căn cứ phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 không có quy định cụ thể về căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm nhưng LTM 1997 thì có quy định về vấn đề này. Theo đó thì phạt vi phạm phát sinh khi không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng hợp đồng (điều 227 LTM 1997). Quy định này là khác với quy định của luật hiện hành vì theo quy định tại điều 300 LTM 2005 và điều 418 BLDS 2015 thì có thể thấy, căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm đều bao gồm:
  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Hợp đồng có thoả thuận về phạt vi phạm.
Để có thể đòi được tiền phạt, các bên phải dựa trên căn cứ: có sự thỏa thuận trong hợp đồng và có sự vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng. Không thực hiện hợp đồng có thể là không giao hàng, không nhận hàng, không thanh toán tiền hàng... Còn thực hiện không đúng hợp đồng có thể là chậm giao hàng, giao hàng thiếu, giao hàng sai quy cách chủng loại, giao hàng kém phẩm chất... Ở đây, LTM 2005 không quy định rằng, khi áp dụng chế tài phạt vi phạm, bên có quyền lợi bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại và mức độ thiệt hại. Chỉ cần bên bị vi phạm chứng minh được là bên kia vi phạm và vi phạm đó thuộc diện áp dụng chế tài phạt vi phạm theo hợp đồng hoặc do pháp luật quy định thì hoàn toàn có thể yêu cầu bên vi phạm trả tiền phạt. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là pháp luật đã cho phép áp dụng phạt vi phạm hợp đồng đối với mọi hành vi vi phạm (bao gồm các trường hợp không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo thoả thuận mà không cần tính đến yếu tố lỗi). Pháp luật quy định, được miễn trách nhiệm hợp đồng khi bên vi phạm không có lỗi (do bất khả kháng hoặc do lỗi của bên đối tác, xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận, do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Điều đó cho thấy, mặc dù không có quy định trong luật nhưng trên thực tế, lỗi vẫn là yếu tố cần thiết để áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và các hình thức chế tài khác trong trách nhiệm hợp đồng.
Bên cạnh đó, theo LTM 2005 và BLDS 2015 thì chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng khi các bên có sự thoả thuận trong hợp đồng. Trong thực tế, vẫn có những trường hợp một bên đòi được phạt vi phạm mặc dù các bên không hề có quy định gì về vấn đề này trong hợp đồng, đơn giản chỉ vì nghĩ rằng mình có quyền được pháp luật bảo vệ trong trường hợp quyền và lợi ích của mình đã không được bên kia tuân thủ. Tuy nhiên vì không có thỏa thuận trong hợp đồng nên khi mang vụ việc ra tranh chấp tại Tòa án thì tòa sẽ bác yêu cầu đòi được phạt vi phạm của bên bị vi phạm. 
Vậy nếu trong hợp đồng các bên không quy định việc phạt vi phạm và bên vi phạm chấp nhận mức phạt do bên bị vi phạm đưa ra thì có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng được không? Có quan điểm cho rằng trường hợp này có thể áp dụng chế tài phạt vì đây là biện pháp răn đe các bên trong việc vi phạm hợp đồng, khi bên vi phạm đã thừa nhận vi phạm và chịu phạt thì không có lý do gì để không chấp nhận điều đó.Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng thỏa thuận trên không thể là thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng nên không thể áp dụng những quy định của chế tài phạt vi phạm. 


>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư soạn thảo, rà soát hợp đồng

3. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Mức phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn do các bên thỏa thuận. BLDS 2015 không khống chế mức phạt tối đa mà tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Khoản 2 điều 418 BLDS 2015 quy định:
 “Mức phạt vi phạm là do các bên tự thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
Tuy nhiên mức phạt vi phạm hiện nay lại không thống nhất ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Theo quy định tại điều 301 LTM 2005 thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp miễn trách nhiệm vật chất theo quy định của Luật này.
Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định mức tiền phạt vi phạm hợp đồng là từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm (điều 29), LTM 1997 thì quy định mức phạt vi phạm sẽ do các bên thỏa thuận cụ thể mức phạt đối với từng vi phạm trong hợp đồng, nhưng tổng các mức phạt vi phạm trên một hợp đồng là không được quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm (điều 228 LTM 1997). Như vậy có thể thấy, quy định về phạt vi phạm trong Luật thương mại 2005 là kế thừa quy định của LTM 1997.
Theo quy định của LTM 2005, điều khoản phạt vi phạm hợp đồng thương mại chỉ đóng vai trò là “điều khoản tuỳ nghi”, tức là những điều khoản các bên có thể tự thoả thuận với nhau và ghi vào trong hợp đồng khi chưa có quy định của pháp luật hoặc đã có quy định của pháp luật nhưng các bên được phép vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh thực tế của mình mà không trái pháp luật. Các bên có thể thoả thuận hoặc không thoả thuận về điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng. Nếu có điều khoản phạt vi phạm, thì điều khoản đó có hiệu lực thi hành. Nếu các bên không thoả thuận và ghi vào trong hợp đồng thì chế tài phạt vi phạm có thể không được áp dụng. Các quy định của Luật Thương mại được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng thoả thuận của các bên về mức phạt trước khi áp dụng mức phạt giới hạn mà pháp luật quy định.
Về mức phạt vi phạm, Luật thương mại coi chế tài phạt vi phạm như một biện pháp trừng phạt về mặt vật chất đối với bên vi phạm, luật cho phép các bên trả bằng một số tiền cụ thể hoặc theo tỷ lệ phần trăm đối với việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nhưng không được quá 8% giá trị của phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Các nhà làm luật cho rằng, mức phạt vi phạm này là nhằm tránh các bên sẽ lạm dụng điều khoản do các bên thỏa thuận mà đẩy mức phạt lên quá cao, tuy nhiên việc áp dụng mức trần phạt vi phạm này trong thực tế còn nhiều bất cập.  
Phân tích sâu hơn về vấn đề mức phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, một vấn đề đặt ra là trong thực tế có rất nhiều trường hợp hai bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng. Thực tế hai bên thỏa thuận mức phạt có thể lên tới 20%, 100%... thì thỏa thuận trên có vô hiệu không? 
Trên thực tế, việc các doanh nghiệp kí kết với nhau về điều khoản phạt vi phạm như trên là tương đối phổ biến. Với trường hợp như trên, việc các bên thỏa thuận nếu bên nào vi phạm hợp đồng hoặc hủy ngang hợp đồng sẽ bị phạt số tiền gấp 10 lần giá trị hợp đồng thì đương nhiên không phù hợp với quy định của pháp luật và là hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên xử lí hợp đồng này như thế nào, thẩm phán có tuyên điều khoản này vô hiệu hoàn toàn và không áp dụng mức phạt hay là thẩm phán lại quy định sẽ áp dụng mức 8% là một điều đang còn nhiều tranh cãi. Xung quanh vấn đề này có 2 quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất, việc thỏa thuận này là vô hiệu, vì vậy khi giải quyết tranh chấp về yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, không chấp nhận yêu cầu này bởi vì xem như hai bên không có thỏa thuận. 
 + Quan điểm thứ hai, việc thỏa thuận vượt quá 8% chỉ vô hiệu một phần đối với mức phạt vượt quá 8% còn điều khoản phạt vi phạm hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực, trong trường hợp này có thể áp dụng mức tối đa 8% yêu cầu của bên bị vi phạm, phần vượt quá không được chấp nhận. 

Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại, các Tòa án thường chấp nhận quan điểm thứ hai, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận vượt quá 8% thì sẽ áp dụng mức phạt trần là 8% để giải quyết yêu cầu đòi phạt vi phạm của bên bị vi phạm. Phần vượt quá 8% bị hủy bỏ. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi vì, bản chất hợp đồng là ý chí của các bên, trong trường hợp này các bên hoàn toàn chấp nhận sẽ chịu phạt nếu vi phạm hợp đồng, còn việc thỏa thuận mức phạt vượt quá giá trị hợp đồng là do hai bên chưa hiểu biết đầy đủ quy định của LTM 2005 chứ không có nghĩa là không có điều khoản về phạt vi phạm. Tuy nhiên thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tòa án bác yêu cầu đòi phạt vi phạm vì cho rằng thỏa thuận này trong hợp đồng là vô hiệu. Điều này đã gây ra nhiều thiệt hại và bất công cho bên bị vi phạm.
Ngoài ra thì việc quy định mức phạt vi phạm tối đa trong LTM 2005 dựa trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm cũng là một vấn đề cần lưu ý. Trên thực tế nhiều bên tham gia kí kết hợp đồng không hiểu về điều khoản này dẫn đến việc nhầm lẫn giữa “phần nghĩa vụ bị vi phạm” và “phần nghĩa vụ phải thực hiện trong cả hợp đồng”. Dẫn tới nhiều trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng không chặt chẽ nên khi có tranh chấp không giải quyết được và phải đưa lên tòa.
Cũng cần phải chú ý rằng mức trần phạt vi phạm 8% là áp dụng đối với tổng mức phạt của nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Do không hiểu luật hoặc hiểu không đầy đủ, nhiều trường hợp hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm đối với từng hành vi vi phạm là khác nhau ví dụ phạt giao hàng chậm ở 1 mức, giao hàng sai quy cách ở mức khác, mặc dù mức phạt ở từng hành vi vi phạm là không quá 8% nhưng khi tính ra tổng mức phạt vi phạm lại cao hơn rất nhiều so với mức trần quy định là 8%. Nhiều bên khi khởi kiện tính ra một mức phạt vi phạm quá cao, vượt quá 8% và đương nhiên tòa trọng tài hay tòa án ko chấp nhận. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thực tế áp dụng phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa mà chủ thể 
hợp đồng hiểu sai quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thì việc thỏa thuận mứ phạt vi phạm hợp đồng nhưng không quá 8% phần giá trị nghĩa vụ bị vi phạm chưa phù hợp với thực tiễn xảy ra. Việc quy định này gây khó khăn cho các cơ quan giải quyết tranh chấp khi tính được 8% giá trị bị vi phạm. Ví dụ như trong một số hợp đồng mua bán hàng hóa quy định số lượng rõ ràng thì dễ tính nhưng trong một số hợp đồng quy định phần nghĩa vụ phải làm cho nhau thì tính ra 8% của phần giá trị bị vi phạm là rất khó.
Trong một số trường hợp, việc áp mức trần phạt vi phạm là 8% không đủ sức răn đe đối với những hợp đồng có giá trị lớn mà việc vi phạm hợp đồng vẫn có thể mang lại cho bên vi phạm khoản lợi nhuận cao hơn.

>> Xem thêm: Phí dịch vụ Luật sư giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

4. Một số kiến nghị về phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Việc BLDS 2015 và LTM 2005 quy định bắt buộc phải có sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng thì mới được áp dụng chế tài phạt vi phạm là không hợp lý với xu hướng đề cao sự tự do ý chí của các bên. Do đó, cần có những sửa đổi theo hướng: Hợp đồng không thoả thuận về việc phạt vi phạm, nhưng sau đó các bên có thoả thuận mới hoặc một bên thừa nhận vi phạm và chấp nhận mức phạt do bên bị vi phạm đưa ra thì không có lý do gì để không chấp nhận phạt vi phạm theo thỏa thuận của các bên.
Quy định về "giới hạn trên" của mức phạt (8%) chưa hợp lý lắm vì nếu một bên thấy mức thiệt hại mà họ phải chịu nếu thực hiện đúng hợp đồng còn cao hơn mức thiệt hại do nộp phạt thì họ sẽ "cố ý" vi phạm. Mục đích "răn đe" do đó sẽ không thực hiện được. Hơn nữa quy định này cũng can thiệp vào quyền tự do thoả thuận của các bên. Vì vậy, mức phạt tối đa 8% trong Luật Thương mại 2005 là quá thấp. Do đó khi sửa đổi Luật Thương mại, các nhà làm luật nên bỏ mức trần 8% này mà thay vào đó mức trần cao hơn để tăng tính răn đe cho chế tài.
Việc qui định phạt vi phạm với mục đích răn đe cũng có thể gây ra những nguy cơ nhất định trong việc áp dụng. Ví dụ theo thông luật  áp dụng tại các nước Anh, Mỹ, Úc... các bên chỉ được thoả thuận về bồi thường theo mức định trước, mọi thoả thuận về phạt vi phạm đều vô hiệu. Như vậy một bản án của toà án hay phán quyết trọng tài chấp nhận hiệu lực của điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại có thể sẽ bị toà án tại các nước theo hệ thống thông luật từ chối công nhận và thi hành. Do đó, pháp luật cần có những sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay. 

 

Tác giả: LS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây