1. Các loại tài sản góp vốn của Nhà đầu tư nước ngoài
Tài sản góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là các nguồn tài chính hoặc quyền sở hữu khác mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào dự án đầu tư tại quốc gia tiếp nhận. Các tài sản góp vốn này thường được nhà đầu tư nước ngoài đưa vào để thực hiện dự án kinh doanh, đầu tư vào doanh nghiệp, hoặc tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tài sản góp vốn vào Việt Nam ghi nhận dưới nhiều hình thức:
(i) Tiền mặt:
Đây là một trong những hình thức phổ biến và đơn giản nhất khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào một dự án hoặc doanh nghiệp tại quốc gia tiếp nhận. Khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định góp vốn vào một dự án, họ có thể đưa tiền mặt vào dự án đó để đạt được tỷ lệ sở hữu tương ứng. Tiền mặt có thể được sử dụng cho các mục đích như thanh toán nguồn vốn đầu tư ban đầu, sử dụng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của dự án, tăng vốn hoặc mở rộng hoạt động của dự án hoặc dùng để chi trả lãi suất hoặc cổ tức cho nhà đầu tư. Tiền mặt được ghi nhận là một hình thức góp vốn đầu tư linh hoạt, đặc biệt là trong các dự án mới hoặc các lĩnh vực đầu tư đòi hỏi thanh toán nhanh chóng và hiệu quả;
(ii) Tài sản dạng vật chất:
Đây là một trong các hình thức phổ biến mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa vào dự án hoặc doanh nghiệp tại quốc gia tiếp nhận. Tài sản góp vốn vật chất bao gồm các tài sản tồn tại ở dạng vật chất như máy móc, thiết bị, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng và các tài sản khác có giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ của dự án hoặc doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định góp vốn bằng tài sản vật chất, những tài sản này sẽ được cung cấp cho dự án hoặc doanh nghiệp tại quốc gia tiếp nhận và được sử dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cải thiện và nâng cao hiệu suất sản xuất và tối ưu công nghệ. Tuy nhiên, loại tài sản này thường cần được định giá giá trị tài sản để xác định giá trị đầu tư, quá trình này có thể thông qua một tổ chức có chức năng định giá chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo tính chính xác, chuyên môn, và khách quan của việc xác định giá trị vốn góp;
(iii) Tài sản là quyền sở hữu trí tuệ:
Đây là những tài sản vô hình, không có thể nhìn thấy hoặc chạm vào, nhưng có giá trị kinh tế cao do mang tính sáng tạo và duy nhất. Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, như bằng sáng chế, nhà đầu tư có thể sử dụng tài sản góp vốn này như một sự đảm bảo vệ tính đột phá và khác biệt trong sản phẩm, công nghệ của dự án. Nhãn hiệu cũng là một trong những tài sản góp vốn nhằm mục đích tăng cường xây dựng danh tiếng và phủ thị trường kinh doanh hoặc góp vốn bằng bản quyền, các loại giấy phép và chứng chỉ có giá trị cũng là một trong những loại tài sản góp vốn có tính cạnh tranh và độc đáo, tuy nhiên, nhà đầu tư cần nghiên cứu chính sách của quốc gia tiếp nhận đầu tư liên quan đến loại tài sản góp vốn này, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật quốc gia tiếp nhận. Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ cũng cần phải được định giá giá trị tài sản góp vốn trước khi sử dụng góp vốn đầu tư. Điều nay đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan đầu tư khi góp vốn;
>> Tham khảo: Luật sư tư vấn định giá tài sản sở hữu trí tuệ
(iv) Tài sản là quyền sử dụng đất:
Nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế đối với việc sở hữu và đầu tư kinh doanh đối với tài sản là đất đai tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài được quyền hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài cần thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi muốn thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền kinh doanh bất động sản tại Việt Nam dưới các hình thức kinh doanh như:
- Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
- Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đất được Nhà nước giao.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản tại Việt Nam sẽ được quyền góp vốn bằng quyền kinh doanh bất động sản của mình theo các hình thức kinh doanh trên để thực hiện hoạt động góp vốn đầu tư tại Việt Nam;
(v) Cổ phần và vốn góp vào doanh nghiệp:
Nhà đầu tư có thể đưa vào cổ phần (cho các doanh nghiệp công cổ phần) hoặc vốn góp (cho các doanh nghiệp có hình thức liên doanh, hợp tác đầu tư, hoặc 100% vốn nước ngoài). Nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc góp cổ phần hoặc vốn góp vào doanh nghiệp có thể tham gia vào quản lý và ra quyết định trong hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo quyền lợi và sở hữu trong doanh nghiệp đó. Việc góp vốn bằng hình thức này cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư và được sự chấp thuận của doanh nghiệp nhận nguồn vốn góp.
2. Các quy định pháp luật về các loại tài sản góp vốn
Các quy định pháp luật liên quan đến tài sản góp vốn được quy định chi tiết tại: Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 105; 106 và 107 của Bộ luật Dân sự, quy định chi tiết các nội dung như sau:
(i) Góp vốn bằng tiền mặt:
Tiền mặt là hình thức góp vốn đơn giản và dễ dàng nhất trong số các loại tài sản góp vốn được ghi nhận theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng tiền mặt cần phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và nguồn vốn đầu tư, cụ thể như sau:
(i) Tiền mặt góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện góp vốn vào Việt Nam phải được chuyển đổi thành đồng Việt Nam, hoặc ngoại tệ nào mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam chấp nhận, và phải được nộp vào tài khoản vốn của doanh nghiệp nhận vốn góp;
(ii) Việc chuyển vốn đầu tư sang Việt Nam phải thông qua một tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, tiền đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển vào tài khoản vốn của doanh nghiệp nhận vốn góp mở tại tổ chức tín dụng đó;
(iii) Trong trường hợp nhà đầu tư muốn chuyển lợi nhuận, lợi tức hay các khoản thu được từ hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ các quy định hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, thuế của doanh nghiệp tại Việt Nam, và các quy định về quản lý ngoại hối của pháp luật Việt Nam;
(ii) Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:
Quy định pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn vào một dự án đầu tư bằng cách sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nghĩa vụ góp vốn. Nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng bị hạn chế quyền sở hữu và sử dụng đối với tài sản là bất động sản, nên hoạt động góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với tài sản này sẽ phải tuân theo các quy định tại Luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản và các quy định pháp lý khác liên quan …;
(iii) Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn đầu tư vào Việt Nam bằng quyền sở hữu trí tuệ để thực hiện hoạt động đầu tư. Quyền sở hữu trí tuệ. Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”
Một số quy định chính liên quan đến việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ như sau:
- Quy định về định giá;
- Thông báo cho cơ quan quản lý;
- Chứng minh quyền sở hữu;
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
(iv) Góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật:
Pháp luật Việt Nam ghi nhận công nghệ được xem như là một hình thức tài sản có thể được sử dụng để góp vốn đầu tư. Nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao sang bên nhận công nghệ. Nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức chuyển giao độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ; Quyền được chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba.
Nhà đầu tư khi thực hiện việc góp vốn bằng công nghệ cần tuân thủ các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và không vi phạm về quy định công nghệ nằm trong danh mục bị hạn chế chuyển giao. Việc chuyển giao công nghệ phải được lập thành hợp đồng hoặc thể hiện dưới hình thức hợp đồng, thông qua các điều khoản hoặc phụ lục của hợp đồng.
Như vậy, để xác định giá trị của công nghệ ông có và bằng sáng chế này, cần thông qua một đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp, và được các cổ đông còn lại cùng đồng ý. Cũng giống như quy trình góp vốn bằng công nghệ, góp vốn bằng kỹ thuật chính là việc chuyển giao các quyền tài sản khác cho doanh nghiệp. Đây được hiểu là một hình thức quyền sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp.
Bí quyết kỹ thuật chính là các bí mật thương mại, có thể bao gồm các công thức, phương pháp, quy trình hoặc các thông tin khác mà có giá trị thương mại mà chủ sở hữu đã sử dụng các biện pháp cần thiết để giữ bí mật. Góp vốn bằng bí quyết kỹ thuật cũng cần được thẩm định giá trị và được các thành viên/ cổ đông sáng lập khác đồng thuận trước khi đưa vào góp vốn đầu tư.
Tài sản góp vốn có thể đến từ nhiều quốc gia trên thế giới với nguồn gốc hình thành đa dạng khác nhau, để có thể sử dụng những tài sản đó góp vốn đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ các quy định về tài sản góp vốn và chuyển tài sản góp vốn theo quy định pháp luật Việt Nam.
3. Một vài điểm bất cập trong quy định về tài sản góp vốn
Với sự phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay, với những loại tài sản góp vốn được ghi nhận như hiện tại, có vẻ như đang có sự thiếu sót, chưa khai thác triệt để được các hiệu quả trong việc quy định các loại tài sản góp vốn. Điều này đang vô hình chung làm hạn chế đi các khả năng thu hút đầu tư, không đảm bảo được các quyền lợi tối đa cho các nhà đầu tư khi sử dụng các nguồn tài sản để thực hiện việc góp vốn. Đồng thời, với chính sách hiện tại, chưa khai thác hết được những tiềm năng tài sản góp vốn thông qua một số loại hình “tài sản” khác có thể dùng trong đầu tư. Điều này sẽ bóp hẹp lại khả năng mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Nên cần thiết phải có các cơ chế, chính sách ghi nhận bổ sung các loại tài sản cần thiết sử dụng cho việc góp vốn đầu tư, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và tình hình kinh tế thị trường hiện tại.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, một số loại tài sản có thể sử dụng góp vốn đầu tư hiện nay như tài sản có giá trị trong tương lai, hợp đồng và quyền sử dụng tài sản, góp vốn bằng giá trị lao động chất lượng cao chưa được pháp luật nghiên cứu đến hay có những quy định về góp vốn đối với những loại tài sản này. Điều này sẽ làm hạn chế đi các cơ hội đầu tư của nhà đầu tư, cần thiết nghiêm túc nghiên cứu và mở rộng quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 105; 106 và 107 của Bộ luật Dân sự để hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về tài sản góp vốn.
>> Xem thêm: Luật sư tư vấn đầu tư nước ngoài
Chúng tôi trên mạng xã hội