Định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp - lưu ý quan trọng

Thứ ba - 08/04/2025 21:38
Định giá tài sản góp vốn là quá trình xác định giá trị của tài sản mà nhà đầu tư nước ngoài đưa vào dự án hoặc doanh nghiệp khi tham gia góp vốn. Việc định giá tài sản góp vốn là rất quan trọng để xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án hoặc doanh nghiệp và xác định giá trị cổ phần hoặc vốn góp. Quá trình này tuân thủ rất nhiều các quy định của pháp luật. Chúng tôi nêu và phân tích các vấn đề pháp lý có liên quan đến định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
Dinh gia tai san gop von vao doanh nghiep
Dinh gia tai san gop von vao doanh nghiep
Mục lục

1. Nguyên tắc chung định giá vốn góp

Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định cụ thể về việc định giá tài sản góp vốn như sau: Đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng: thì việc định giá được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá thực hiện và được thể hiện thành Đồng Việt Nam. Việc định giá cần tuân theo các nguyên tắc chung sau:
(i) Giá trị định giá công bằng;
(ii) Được đánh giá bởi các chuyên gia;
(iii) Đảm bảo thủ tục pháp lý về định giá như quy định về việc lập hợp đồng góp vốn, thủ tục đăng ký tài sản góp vốn, các quy định về thuế và các quy trình thủ tục khác có liên quan;

(iv) Xác định đúng thời điểm định giá: giá trị của tài sản định giá có thể bị thay đổi tại từng thời điểm thị trường khác nhau, nên thời điểm định giá tài sản được xác định là hợp lý khi thực hiện gần với thời điểm góp vốn tài sản đó vào công ty, để đảm bảo kết quả xác định giá trị thẩm định được chính xác nhất.

2. Điều kiện tài sản định giá tài sản góp vốn

Tài sản sử dụng cho việc góp vốn đầu tư và đảm bảo được các điều kiện định giá theo quy định pháp luật, tài sản đó phải đáp ứng được một số điều kiện cơ bản như sau:
(i) phải là tài sản rõ ràng và xác định được, tài sản phải phân biệt được với các loại tài sản khác. 
(ii) phải là tài sản có quyền sở hữu: người yêu cầu thẩm định phải có quyền sở hữu hay quyền kiểm soát đối với tài sản này, nó có thể được chứng minh thông qua các loại giấy tờ có hiệu lực pháp lý chứng minh quyền sở hữu như giấy chứng nhận bản quyền tác giả, bằng sáng chế…
(iii) Tài sản đó phải có giá trị trên thị trường, phải có người sẵn lòng mua nó với một mức giá nhất định để có cơ sở định giá;
(iv) tài sản đó có thể chuyển nhượng được từ người này sang người khác;

(v) tài sản đó phải có thông tin đầy đủ và chính xác, bao gồm các thông tin về tình trạng, vị trí, kích thước hoặc các yếu tố khác có thể xác định được thông tin và xác định được giá trị của tài sản đó.

3. Nguyên tắc định giá tài sản góp vốn với một số tài sản

Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về những loại tài sản đủ điều kiện góp vốn bao gồm:
“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Tài sản phải xác định được giá trị và có thể giao dịch được trên thị trường. Xuất phát từ việc quyền tự do góp vốn, nên việc định giá tài sản cũng cần căn cứ trên nguyên tắc đồng thuận của các thành viên trong doanh nghiệp nhận góp vốn. Những loại tài sản này phải đáp ứng được các nguyên tắc định giá sau:
(i) định giá tài sản giai đoạn thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên hoặc cổ đông sáng lập đồng ý, do một đơn vị thứ ba có chức năng thẩm định giá định giá tài sản, và phải được trên 50% thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận kết quả định giá của bên thứ ba;
(ii) định giá tại giai đoạn doanh nghiệp đang hoạt động, cũng tương tự như giai đoạn mới thành lập, kết quả định giá phải do bên thứ ba có chức năng chuyên môn về định giá xác định và phải được sự đồng ý của trên 50% người góp vốn đồng ý, chấp thuận. 

4. Thời điểm định giá tài sản góp vốn

Việc góp vốn đầu tư được thực hiện tại hai thời điểm: khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn đầu tư sau khi đã thành lập doanh nghiệp, hoặc có thể hiểu là góp vốn đầu tư khi doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này có nghĩa, việc xác định, định giá tài sản góp vốn cũng được thực hiện tại hai thời điểm trên:
(i) Định giá tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp, các tài sản dùng để góp vốn phải được các thành viên hoặc các cổ đông sáng lập đồng ý giá trị tài sản góp vốn đó theo một giá trị nhất định, đo lường được bằng tiền Việt Nam đồng, hoặc do một tổ chức có chức năng định giá định giá, và phải được các thành viên, cổ đông sáng lập đó chấp thuận giá trị định giá tài sản góp vốn đó;
(ii) Định giá tài sản góp vốn sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động: trong quá trình doanh nghiệp đang hoạt động, muốn thực hiện việc góp vốn đầu tư, tài sản đem góp vốn cũng phải được thẩm định bởi một bên có chức năng thẩm định giá, và giá trị định giá tài sản góp vốn đó phải được chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng cổ đông chấp thuận.

5. Phương pháp thẩm định giá định giá tài sản góp vốn

Pháp luật Việt Nam hiện nay có ghi nhận các quy định về các phương pháp thẩm định giá, thẩm định giá trị tài sản tiếp cận theo thông tư 126.2015TT-BTC Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09, và 10 (Ký hiệu: TĐGVN 08). Trong đó, việc định giá tài sản góp vốn có thể được tiếp cận theo các phương án sau:
(i) Phương pháp chi phí thay thế;
(ii) Phương pháp Tiền sử dụng tài sản vô hình;
(iii) Phương pháp lợi nhuận vượt trội;

(iv) Phương pháp thu nhập tăng thêm;
Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá trên cũng cần đảm bảo các quy trình thực hiện, để việc xác định giá trị tài sản góp vốn có cơ sở và hiệu quả định giá tài sản góp vốn được cao nhất.
Quy Trình thẩm định giá tài sản góp vốn

Bước 1, xác định đúng mục đích thẩm định giá. Việc xác định giá trị tài sản phải đảm bảo được mục đích của định giá là gì? Ở đây, mục đích của định giá tài sản chính là xác định giá trị tài sản góp vốn vào đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp;
Bước 2, thu thập các thông tin liên quan đến tài sản định giá, các thông tin liên quan đến như tình trạng tài sản, vị trí của tài sản, hồ sơ, giấy tờ pháp lý của tài sản, nguồn gốc tài sản và tất cả các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị của tài sản góp vốn;
Bước 3, lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Căn cứ  trên các phương pháp định giá vừa nêu trên, đơn vị thẩm định giá còn xác định lựa chọn phương pháp định giá phù hợp nhất với loại tài sản cần định giá;
Bước 4, thực hiện việc thẩm định giá tài sản góp vốn, dựa trên phương pháp định giá đã lựa chọn, thẩm định viên sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và các phân tích, tính toán cần thiết để xác định được giá trị của tài sản góp vốn;
Bước 5, phát hành thẩm định thư. Thẩm định thư chính là hồ sơ có tính pháp lý cao trong việc xác định giá trị tài sản của tài sản góp vốn. Đây là kết quả của quá trình áp dụng và sử dụng nghiệp vụ thẩm định của một thẩm định viên có đủ điều kiện hành nghề. Các chủ sở hữu, hội đồng thành viên, hội đồng cổ đông có thể yên tâm tham khảo hoặc dựa vào kết quả của thẩm định thư để xác định giá trị của tài sản góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp. 

6. Thẩm quyền định giá tài sản góp vốn

Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 có nội dung quy định về thẩm quyền định giá tài sản góp vốn như sau: “… Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận…”. Như vậy, có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện tại đã có các quy định điều chỉnh liên quan đến thẩm quyền định giá tài sản góp vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó có thể nhóm theo các quy định sau:
(i) Các thành viên, cổ đông hoặc người sáng lập doanh nghiệp phải có sự thống nhất với nhau về giá trị tài sản góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhận vốn góp;
(ii) Trường hợp tài sản góp vốn là bất động sản, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, hoặc các loại tài sản khác có giá trị lớn, thì việc định giá thường cần sự tham gia của tổ chức định giá chuyên nghiệp, độc lập để đảm bảo tính chính xác của giá trị vốn góp, tính khách quan, độc lập về mặt nghiệp vụ định giá;
(iii) Trường hợp tài sản góp vốn là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp trong doanh nghiệp khác thì việc định giá thường dựa trên giá thị trường, giá giao dịch gần nhất hoặc giá được xác định qua thẩm định của tổ chức định giá trên cơ sở phân tích nghiệp vụ, chuyên môn của họ.

7. Một số bất cập về định giá tài sản

Các quy định pháp luật về định giá tài sản góp vốn hiện nay còn nhiều vấn đề phát sinh, chưa được khép kín. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các mô hình kinh doanh, thậm chí là tài sản cũng có thể bị thay đổi nhanh chóng, sẽ là những rào cản cho việc xác định giá trị tài sản góp vốn được chính xác và hiệu quả. Nhiều tiêu chuẩn và phương pháp định giá hiện nay còn tồn tại sự chênh lệch về tiêu chuẩn định giá giữa các quốc gia với nhau, sẽ gây ra sự không công bằng và thậm chí là tranh chấp trong việc áp dụng giá trị định giá. Các quy định trong định giá tài sản vô hình còn chưa rõ ràng và cũng bởi các yếu tố này, việc xác định lại giá trị định giá cũng cần thiết phải được quy định hợp lý. Hiện nay, căn cứ theo thông tư số 28/2021/TT-BTC ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 về tiêu chuẩn định giá doanh nghiệp, thì chưa có quy định nào nêu rõ tiêu chuẩn định giá áp dụng đối với các tài sản góp vốn đầu tư và chưa có quy định về kiểm toán giá trị định giá tài sản góp vốn, một lần nữa định giá lại giá trị định giá để đảm bảo tính minh bạch, chính xác và đáng tin cậy của giá trị định giá.
Đặc biệt cần thiết trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến định giá tài sản góp vốn đầu tư. Bên cạnh đó, Điều 36 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định về định giá tài sản góp vốn hiện nay đang cho phép các cổ đông/ thành viên định giá theo nguyên tắc đồng thuận, cổ đông/ thành viên có thể không có chuyên môn, nghiệp vụ được quyền tự định giá tài sản góp vốn có thể dẫn đến những kết quả định giá không chính xác hoặc định giá sai. Trong khi pháp luật chưa có quy định nào quy định về trách nhiệm hay tỷ lệ chịu trách nhiệm giữa các cổ đông/ thành viên sáng lập và thành viên định giá khi định giá sai gây hậu quả thực tế.

8. Một số đề xuất hoàn thiện quy định về định giá tài sản góp vốn

Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện trong quy định về định giá tài sản góp vốn như sau: 
Cần xây dựng và ban hàng bộ quy chuẩn chung về định giá tài sản góp vốn
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang có các văn bản pháp luật điều chỉnh về tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản như: Thông tư 126/2015/TT-BTC Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Thông tư 145/2016/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 11 về thẩm định giá Bất động sản; Thông tư 122/2017/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá Doanh nghiệp; Thông tư 06/2014/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình . Về cơ bản, các tiêu chuẩn được ban hành đã giúp các cổ đông/ thành viên thực hiện việc định giá có hiệu quả, chính xác hơn và hạn chế sai sót hơn. Tuy nhiên, trong các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện tại, chưa có một bộ quy định tiêu chuẩn chung về định giá tài sản góp vốn. Chính phủ có thể nghiên cứu và xây dựng bổ sung thêm một bộ quy chuẩn chung về định giá tài sản góp vốn tại Thông tư 122/2017/TT-BTC dựa trên một số yếu tố cơ bản sau:
(i) Xây dựng một tiêu chuẩn định giá tài sản góp vốn đồng nhất: Điều này sẽ đảm bảo tính công bằng và nhất quán trong việc định giá tài sản góp vốn, khi sử dụng tiêu chuẩn chung cơ bản cho mọi loại tài sản, người thực hiện nghiệp vụ định giá và các bên liên quan sẽ cùng hiểu một khung tham chiếu, hiểu rõ hơn cách đánh giá giá trị tài sản góp vốn;
(ii) Sử dụng phương pháp định giá chính xác;
(iii) Đảm bảo tính minh bạch, công bằng: đầy là điều kiện quan trọng trong việc thực hiện nghiệp vụ định giá và cần thiết đưa vào trong bộ tiêu chuẩn chung về định giá tài sản góp vốn;
(iv) Xây dựng chương trình đào tạo và cấp chứng nhận định giá. Điều này sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình định giá, yêu cầu người thực hiện nghiệp vụ phải thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn và chuẩn mực định giá, đảm bảo tính công bằng và đồng nhất trong việc định giá tài sản góp vốn;
(v) Cập nhật kỹ năng sử dụng công nghệ và áp dụng thông tin mới nhất.
Cần bổ sung quy định về kiểm toán giá trị định giá tài sản góp vốn
Đây là một quy định quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của quy trình định giá tài sản. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc kiểm toán lại giá trị định giá, mặc dù nó mang lại những ưu điểm và cần thiết sau đây:
(i) Đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của kết quả định giá;
(ii) Đảm bảo đối chiếu đúng tiêu chuẩn và quy định;
(iii) Tăng cường uy tín và đáng tin cậy của kết quả định giá tài sản góp vốn;
(iv) Bảo vệ lợi ích của các bên liên quan;

(v) Tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Việc bổ sung thêm quy định về kiểm toán giá trị định giá tài sản góp vốn sẽ giúp hoàn thiện hơn Thông tư 122/2017/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá Doanh nghiệp, phục vụ riêng cho mục đích kiểm soát tính trung thực, chính xác và minh bạch trong hoạt động góp vốn đầu tư của chủ đầu tư. Hạn chế chủ thể có quyền định giá tài sản góp vốn: Điều 36 Luật doanh nghiệp 2020 hiện nay có quy định cho phép cổ đông/ thành viên sáng lập được quyền tự định giá tài sản góp vốn. Thậm chí, trường hợp nếu thông qua đơn vị có chức năng thẩm định giá thì quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào quyết định của cổ đông/ thành viên sáng lập. Trong khi thực tế, các nghiệp vụ thẩm định giá của các cổ đông/ thành viên sáng lập là không có chuyên môn, hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro như sau: (i) Kết quả thẩm định giá trị không đúng hoặc thiếu chính xác; (ii) Gây tác động đến quyết định đầu tư. 


>> Xem thêm: Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư cho Nhà đầu tư nước ngoài
 

Tác giả: LS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây