Phân chia di sản thừa kế thờ cúng và di tặng

Thứ sáu - 04/04/2025 22:32
Di sản dùng trong việc thờ cúng và di tặng là hai nội dung được quy định tùy theo ý chí của người lập di chúc. Bởi lẽ không phải trường hợp nào khi phân chia di sản thừa kế cũng xuất hiện hai nội dung này, đây là hai phần tùy thuộc vào ý chí của người lập di chúc. Vì vậy hai nội dung này có thể có hoặc không có trong việc phân chia di sản thừa kế và chỉ xuất hiện trong trường hợp phân chia di sản thừa kế theo di chúc.
Phan chia di sản tho cung va di tang
Phan chia di sản tho cung va di tang
Mục lục

Phân chia di sản thừa kế trong trường hợp có di tặng

Di tặng là việc thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể để lại di sản thừa kế dành di tặng cho một tổ chức hoặc cá nhân bất kì nhằm thể hiện tình cảm của mình đối với những cá nhân và tổ chức đó. Khoản 1 Điều 646 quy định: “Di tặng là việc lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác…”. Đối tượng được hưởng di tặng là bất kì tổ chức, cá nhân nào được người chết chỉ định trong di chúc. Tuy nhiên, “Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế” (Khoản 2 Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Nếu di chúc không ghi rõ là di tặng thì được hiểu là di sản thừa kế theo di chúc. Cũng giống như những người thừa kế thì những người được hưởng di tặng có thể từ chối nhận di tặng. Bởi lẽ việc di tặng chỉ thể hiện ý chí đơn phương của bên để lại di sản di tặng còn nhận di sản di tặng hay không còn phụ thuộc và ý chí của người nhận di tặng.
Điểm khác nhau cơ bản giữa những người được hưởng di tặng và những người thừa kế là ở chỗ người được hưởng di tặng sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Trong trường hợp số di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì phần di tặng sẽ được dùng để thanh toán nốt phần nghĩa vụ còn thiếu. Nếu tài sản di tặng là hiện vật mà khi phân chia di sản thừa kế mà vật đó không còn tồn tại thì người hưởng di tặng không có quyền đòi bồi hoàn từ những người hưởng thừa kế. Di sản phân chia di sản thừa kế cho những người hưởng thừa kế được xác định sau khi đã trừ đi phần di sản thuộc về người hưởng di tặng.
Tình huống làm rõ các phân chia:
Ông A chết để lại khối di sản là 900 triệu đồng. Trong di chúc để lại ghi rõ: Ông A dành một phần tài sản là 100 triệu đồng cho ông B (bạn thân của ông A) và số di sản còn lại chia đều cho C (vợ ông A), D (là con của ông A). Tuy nhiên khi chết ông còn để lại số nợ là 300 triệu đồng. Khi phân chia di sản thừa kế thì không thanh toán đồng thời nghĩa vụ nợ của ông A mà những người thừa kế đồng ý sẽ thực hiện thanh toán sau khi chia di sản. Lúc này số di sản mà C = D = (900 – 100)/ 2 = 400 triệu đồng. Tuy nhiên C và D cũng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phần di sản được nhận. Khi chết ông A không xác định ai là người trả nợ vì vậy số nợ được xác định theo tỉ lệ chia di sản. Theo đó bà C và D thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay ông A là 300/2 = 150 triệu. Vậy số di sản mà C và D nhận được cuối cùng chỉ là 400- 150 = 250 triệu đồng. Đối với ông B được xác định là người hưởng di tặng vì vậy ông không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào và số di sản nhận được là 100 triệu đồng như di chúc đã ghi.

Phân chia di sản thừa kế trong trường hợp có di sản thờ cúng

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng đã tồn tại ở nước ta từ rất lâu đời. Thờ cúng ông bà tổ tiên là một việc làm không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Đạo làm con thì phải chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già ốm và khi cha mẹ mất đi phải thờ cúng cha mẹ. Đây là một nét đẹp trong văn hóa con người Việt Nam thê hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đã là đạo hiếu thì không cần người đã chết để lại di sản thì con cái mới có nghĩa vụ thờ cúng mà cả khi người đó không để lại tài sản thì đã làm con vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thờ cúng. Tuy nhiên khi về cái tuổi đã gần đất xa trời ngoài việc lo cho cuộc sống của con cái mình sau này họ còn nghĩ về việc thờ cúng của chính mình và ông bà tổ tiên khi họ chết. Dùng tài sản của chính mình để thực hiện việc thờ cúng của mình và ông bà, tổ tiên là một quyền hoàn toàn chính đáng.
Theo khoản 1 Điều 670 BLDS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”. 
Theo đó, di sản thờ cúng không chỉ do người để lại di sản quyết định mà những người thừa kế cũng có quyền thỏa thuận phần di sản dùng trong việc thờ cúng. Những người thừa kế có thể thỏa thuận các nội dung chia thừa kế cũng như quyết định việc dành một phần di sản thừa kế để thờ cúng. Khi trích ra một phần tài sản dùng trong việc thờ cúng và giao cho một người chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện việc thờ cúng thì việc thờ cúng sẽ được thực hiện tốt hơn.
Theo quy định, toàn bộ tài sản của người chết là một khối di sản, một phần của một khối di sản đó sẽ là: nếu chia di sản ra làm hai hay nhiều phần thì người lập di chúc không được dành lại quá một phần của khối di sản đó. Do vậy, nếu người lập di chúc định đoạt vượt quá 1/2 di sản, khi mở thừa kế sẽ để lại 1/2 di sản để thờ cúng, phần còn lại chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật. Vấn đề này cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để tránh việc áp dụng tùy tiện.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ thể mang quyền trong việc thanh toán các nghĩa vụ Khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”.
Theo quy định này thì khi nghĩa vụ tài sản của người chết để lại lớn hơn tổng giá trị tài sản chia thừa kế thì phần còn thiếu sẽ được lấy ra từ phần di sản được dùng trong việc thờ cúng. Nếu nghĩa vụ tài sản lớn hơn tổng khối di sản thừa kế thì không tồn tại phần di sản dùng trong việc thờ cúng. Quy định này sẽ tránh được trường hợp lạm dụng quy định về quyền để lại di sản thờ cúng để trốn tránh các nghĩa vụ mà người chết để lại.
Tình huống làm rõ các phân chia:
Bà A chết có để lại di chúc chia di sản thừa kế gồm số tiền mặt trị giá 200 triệu đồng và một căn nhà trị giá 500 triệu đồng. Do bà chỉ có một người con đó là chị B nên bà đã để lại toàn bộ số tiền mặt là 200 triệu cho C (là cháu trai) để thực hiện việc quản lý và thực hiện việc thờ cúng bà sau này.
Chị B được hưởng căn nhà trị giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên bà A còn nợ ngân hàng số tiền là 600 triệu đồng. Vì vậy số di sản chia thừa kế co chị B không đủ để thực hiện nghĩa vụ của bà A và số nợ còn lại là 600 - 500= 100 triệu sẽ được lấy ra từ di sản dùng trong vệc thờ cúng. Số di sản dùng trong việc thờ cúng sau khi được lấy ra để thanh toán nghĩa vụ sẽ còn lại 200 – 100 = 100 triệu đồng.
Di sản dùng trong việc thờ cúng là một loại di sản mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Tài sản chia thừa kế được xác định sau khi đã trừ đi phần di sản dùng trong việc thờ cúng. So với những quy định trước đây thì quy định về di sản dùng trong việc thờ cúng đã được hoàn thiện hơn tuy nhiên việc quy định về giá trị và số lượng tài sản vẫn chưa được quy định rõ ràng. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng hiểu sai các quy định và thực hiện không đúng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người thừa kế. Bởi vậy cần có những quy định cụ thể hơn về phần di sản thừa kế này.

>> Xem thêm: Luật sư tư vấn phân chi di sản thừa kế
>> Xem thêm: Chi phí khai di sản thừa kế

 

Tác giả: LS Tô Đình Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây