Tội tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:45
a. Định nghĩa
 
Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này trực tiếp xâm hại đến sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.
Tuy nhiên, do đặc điểm của tội phạm này là được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn nên các nhà làm luật đã chuyển vào chương này (trong Bộ luật hình sự 1985, tội phạm này nằm trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu). Ngoài ra, tội phạm này còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.
 
 Có một số quan điểm cho rằng, đối tượng của tội phạm này còn có thể là tài sản thuộc sở hữu tập thể. Ví dụ, tài sản của công ty cổ phần (không có vốn của Nhà nước). Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay chưa được chấp nhận về mặt lập pháp cũng như về mặt thực tiễn. Vì vậy, nếu tài sản của các công ty không có vốn góp của Nhà nước thì không thuộc đối tượng của tội phạm này.
Một vấn đề đặt ra nữa là vốn góp của Nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong khối tài
sản của công ty như vậy khi có hành vi tham ô xảy ra, giá trị tài sản sẽ được giải quyết thế nào cho
hợp lý? Hầu như hiện nay chưa ai quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, nếu ở một công ty có góp vốn của
Nhà nước, khi có tội tham ô xảy ra, giá trị tài sản chiếm đoạt chính là giá trị tài sản mà người phạm tội
đã thực tế chiếm đoạt chứ không phải là giá trị tài sản được tính trên % tỷ lệ góp vốn của Nhà nước.
 
- Khách quan: đòi hỏi người phạm tội tham ô có hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Hành vi phạm tội của tội tham ô tài sản trước hết phải là hành vi chiếm đoạt. Đối
tượng chiếm đoạt là tiền, tài sản mà người phạm tội được giao quản lý. Người phạm tội đã
chiếm đoạt tài sản mình đang quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản đó.
Thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện rất đa dạng. Thực tiễn điều tra, truy
tố, xét xử cho thấy thủ đoạn được thể hiện ở những dạng như sử dụng quyền hạn, do chức
trách, nhiệm vụ công tác được giao để thực hiện không đúng chức trách của mình, hoặc làm
trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác của mình phụ trách như
chế độ quản lý vật tư, tiền mặt, sổ sách kế toán. Với mục đích chiếm đoạt tài sản mà mình có
trách nhiệm quản lý.

Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể dùng nhiều thủ đoạn gian dối khác nhau để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình, những thủ đoạn này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và chúng chỉ có thể được thực hiện trước, trong hoặc sau khi chiếm đoạt tài sản. Những thủ đoạn thường gặp ở tội tham ô tài sản là: sửa chữa sổ sách, chứng từ, cố tình ghi chép sai, lập chứng từ giả, đốt kho, tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ…Nếu các hành vi che giấu hành vi tham ô thỏa mãn các dấu hiệu của các tội phạm cụ thể nào đó thì người phạm tội phải bị truy cứu thêm về tội phạm tương ứng. Ví dụ, huỷ hoại tài sản, làm giả giấy tờ, tài liệu…v.v…
Chiếm đoạt tài sản là một hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có trường hợp người phạm tội tự chuyển dịch tài sản như: thủ quỹ tự lấy tiền trong két, thủ kho tự lấy tài sản trong kho đem bán…Cũng có trường hợp việc chuyển dịch lại do người khác thực hiện theo lệnh của người phạm tội như: Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình; kế toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản theo lệnh của người phạm tội.
Thực tiễn xét xử cho thấy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều công ty, đơn vị
đã phải chi một khoản tiền không đúng quy định của Nhà nước. Khi chi những khoản tiền
này, thông thường người phụ trách không nói lý do các nhân viên dưới quyền biết mục đích
của việc chi tiêu này và nếu có biết thì chỉ được giải thích là chi “giao dịch” hoặc “tiếp
khách”. Trong các khoản chi sai nguyên tắc không ít khoản Giám đốc công ty, người đứng
đầu đơn vị bỏ túi. Khi vụ án bị phát hiện, thông thường các khoản chi sai đều quy kết là
chiếm đoạt và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản. Việc quy kết cho Giám
đốc công ty hoặc người đứng đầu đơn vị chiếm đoạt toàn bộ số tiền chi sai nguyên tắc và
truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội tham ô tài sản rõ ràng là không chính xác vì họ không
chiếm đoạt hết số tiền đó. Vì vậy, gặp trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác
định trong các khoản tiền chi sai nguyên tắc, khoản nào người phạm tội chiếm đoạt thì mới
phạm tội tham ô, còn khoản nào chi thực thì chỉ coi hành vi đó là hành vi cố ý làm trái quy
định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý chỉ cấu thành tội tham ô khi có một trong các dấu hiệu sau:
+ Giá trị tài sản chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên; hoặc + Gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc
+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; hoặc
+ Đã bị kết án về một trong các tội được quy định từ Điều 278 đến Điều 284, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Qua đó, chúng ta thấy có 3 trường hợp tuy tài sản có trị giá dưới 500.000 đồng nhưng vẫn cấu thành tội tham ô. Đó là:
Trường hợp 1: người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000
đồng nhưng lại gây hậu quả nghiêm trong thì cấu thành tội tham ô. Hậu quả nghiêm trọng có
thể là hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đình đốn hoặc bị cản trở, hoạt động tác nghiệp
của các tổ chức xã hội không thực hiện được hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác cho xã hội (tính mạng, sức khoẻ…). Thực tiễn thường xem những hậu quả sau do hành vi tham ô gây ra là hậu quả nghiêm trọng:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của từ 1-2 người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của từ 3-4 người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31%-60%;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tổng tỷ lệ thương tật từ 61%-100%;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tổng tỷ lệ thương tật từ 31%-60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng;
- Những thiệt hại nghiêm trọng về phi vật chất khác.
Trường hợp thứ 2: là người chiếm đoạt đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi
phạm.
Trường hợp thứ 3: người phạm một trong các tội được quy định từ Điều 278 đến Điều 284, đã bị Toà án kết án nhưng chưa được xoá án tích mà còn lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng.
- Chủ quan: người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp và có mục đích tư lợi nhằm chiếm đoạt
tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Mục đích này bắt buộc phải có và có trước khi hành vi chiếm
đoạt diễn ra. Nếu hành vi “chiếm giữ tài sản” không có mục đích này thì không cấu thành tội
phạm.
- Chủ thể: đây là tội phạm đòi hỏi phải có dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chỉ những người có những dấu hiệu đặc biệt đã được quy định trong Điều 278 Bộ luật hình sự mới có thể trở thành chủ thể của tội Tham ô. Đó là dấu hiệu có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản. Những người không có chức vụ, quyền hạn này chỉ có thể là đồng phạm của tội tham ô với vai trò là người tổ chức hay giúp sức hoặc xúi giục.
Chủ thể của tội tham ô, nếu nói một cách khái quát phải là những người có trách
nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý về mọi mặt
như trách nhiệm thủ trưởng của cơ quan, có thể chỉ là trách nhiệm quản lý trên thực tế như
trách nhiệm giữ, bảo quản của thủ kho, thủ quỹ hoặc quản lý trên văn bản giấy tờ như kế
toán.
Trách nhiệm quản lý tài sản cần phân biệt với trách nhiệm bảo vệ đơn thuần của những người làm công việc bảo vệ ở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước hay hợp tác xã. Những người này hoàn toàn không liên quan đến tài sản về mặt quản lý mà chỉ liên quan đến tài sản về mặt nghĩa vụ. Họ không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản, trừ trường hợp cá biệt. Đó là trường hợp tuy chỉ là bảo vệ nhưng trong trường hợp đặc biệt, do đặc điểm của tài sản được bảo vệ, họ có khả năng tiếp cận trực tiếp với tài sản nên họ cũng được coi như người tạm thời quản lý tài sản khi người quản lý chính thức vắng mặt.
 Trách nhiệm quản lý tài sản của những người nói trên có được là do chức năng công tác được cơ quan giao cho một cách chính thức. Những chức năng công tác là:
+ Đảm nhiệm những chức vụ nhất định như thủ trưởng cơ quan, chánh văn phòng, trưởng phòng tài vụ;
+ Đảm nhiệm những công tác nghiệp vụ như quản lý kinh tế, tài chính như thủ kho, thủ quỹ, kế toán;
+ Đảm nhiệm những công việc có tính độc lập.
Đó là những công việc tạo ra cho người được giao (tuy không có trách nhiệm quản lý tài sản) mối quan hệ cũng như trách nhiệm với khối lượng tài sản nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như người lái xe được cơ quan giao một mình vận chuyển hàng hoá, không có người áp tải.
 
c. Hình phạt chia thành 4 khung:
 
- Khung 1: hành vi tham ô không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Khung 2: hành vi tham ô thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức.
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những mánh khoé, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: thủ quỹ, kế toán sửa chữa sổ sách để chiếm đoạt tài sản bằng các hoá chất rất khó phát hiện hoặc sau khi chiếm đoạt được tài sản người phạm tội tạo hiện trường giả như phá khoá cửa tạo vụ trộm cắp giả, giả vờ bị cướp, bị cướp giật, bị trộm cắp… để che giấu hành vi tham ô của mình.
Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi tham ô gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người như: thủ kho sau khi lấy tài sản trong kho do mình quản lý, đã đốt kho để phi tang; người bảo vệ hồ cá dùng hoá chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột đổ xuống ao, hồ để bắt cá chết nổi, gây ô nhiễm nguồn nước sạch, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nhiều người.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Hậu quả nghiêm trọng ở đây cũng được xác định giống như ở khoản 1 của Điều này nhưng chỉ khác ở chỗ là hậu quả này kèm theo với số tài sản tham ô có giá trị trên 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng.
 - Khung 3: hành vi tham ô thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Thực tiễn thường xem những hậu quả sau là rất nghiêm trọng do hành vi tham ô gây ra:
- Làm chết hai người;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của từ 3-4 người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của từ 5-7 người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31%-60%;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tổng tỷ lệ thương tật từ 101%-200%;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tính mạng, tài sản thuộc 2-3 trường hợp của hậu quả nghiêm trọng;
- Những thiệt hại rất nghiêm trọng về phi vật chất khác.
- Khung 4: hành vi tham ô thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Thực tiễn thường xem những hậu quả sau là đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tham ô
gây ra:
- Làm chết ba người;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của 5 người trở lên, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của 8 người trở lên, với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31%-60%;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tổng tỷ lệ thương tật từ 201 trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;
- Gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của từ 4 trường hợp của hậu quả nghiêm trọng trở
lên;
- Những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về phi vật chất khác.
 
 Theo Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP (15/3/2001) của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS về tội tham ô tài sản cần chú ý:
1) Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có
tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ
tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như
sau:
+ Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ;
+ Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ
đồng;
+ Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
2) Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít
tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội như sau:
+. Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);
+ Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ
đồng;
+ Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
3) Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội như sau:
+ Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
+ Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.
- Trong trường hợp theo hướng dẫn tại 1) và 3) thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
- Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
+ Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
+ Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
 
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây