Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:28
a. Định nghĩa
 
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp hoặc thông qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. 
b Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước,
tổ chức. Qua đó, hành vi này đã làm suy yếu, mất uy tín của các cơ quan, tổ chức. Đối tượng
tác động của tội phạm này là hành vi của người bị người có chức vụ, quyền hạn gây ảnh
hưởng.
 
Vấn đề đối tượng tác động của tội phạm này thường gây ra tranh cãi. Có quan điểm cho rằng, đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn được hoặc sẽ được nhận. Thực tế, tiền hoặc tài sản trong trường hợp này chỉ là cái đích mà người phạm tội muốn đạt được. Cũng có ý kiến cho rằng, người bị ảnh hưởng chính là đối tượng tác động của tội phạm này. Quan điểm này cũng không chính xác vì thực tế, người phạm tội không tác động lên con người của người bị ảnh hưởng mà chỉ tác động lên hành vi của họ khiến họ làm sai chức trách. Việc làm sai của người bị ảnh hưởng sẽ mang lại lợi ích cho người phạm tội.
 
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Việc nhận các lợi ích đó được trả bằng giá là dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.
Dùng ảnh hưởng để thúc đẩy người khác (có chức vụ, quyền hạn) là dùng mối quan hệ giữa mình với người khác (có chức vụ, quyền hạn) để thúc đẩy. Mối quan hệ này có được từ chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Nếu ảnh hưởng này có thể do quan hệ họ hàng, bạn bè, tình cảm gia đình…giữa người phạm tội với người khác (có chức vụ, quyền hạn) thì có thể cấu thành tội phạm quy định tại Điều 291 - lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
 
 
Trong trường hợp người phạm tội đã nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và hứa
sẽ dùng ảnh hưởng của mình tác động đến người khác (có chức vụ, quyền hạn) nhưng cuối cùng đã
không tác động thì cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp chưa nhận gì cả mà có
hứa sẽ tác động đến người khác (có chức vụ, quyền hạn) nhưng không tác động thì không cấu thành
tội phạm.
Nếu người phạm tội đã nhận nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác sau đó đưa một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đó cho người khác (có chức vụ, quyền hạn) để thúc đẩy họ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa thì tuỳ trường hợp có thể cấu thành tội đưa hối lộ (đồng phạm) hoặc môi giới hối lộ.
Tội phạm này khác với tội nhận hối lộ ở chỗ người phạm tội không trực tiếp thực hiện các
công việc (bên giao tiền, lợi ích vật chất yêu cầu) trong phạm vi chức trách của mình mà dùng ảnh
hưởng (có được thông qua chức vụ, quyền hạn của mình) đối với người khác để người này thực hiện
các công việc đó.
 
Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi vật chất nhận có giá trị từ 500.000 đồng trở lên hoặc dưới 500.000 đồng (đã hoặc sẽ nhận) nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã nhận hoặc hứa sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ người đưa và đã tác động đến người khác (có chức vụ, quyền hạn) để họ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa, bất kể người khác (có chức vụ, quyền hạn) có thực hiện yêu cầu đó hay không.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm
này. Vì thế, nếu một người có tác động đến người khác (có chức vụ, quyền hạn) để họ làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người thứ ba nhưng không vì động cơ vụ lợi thì không cấu thành tội phạm.
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn và dùng chức vụ, quyền hạn đó để gây ảnh hưởng đối với người khác. Nếu người không có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi này thì sẽ cấu thành tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291).
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6
năm.
- Khung 2: lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 năm đến 13  năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu
đồng.
+ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Khung 3: lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20
năm:
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
- Khung 4: lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20  năm hoặc tù chung thân:
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. ¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm
đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản, lợi ích trục
lợi. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây