Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:37
a. Định nghĩa
 
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác.
 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức. Từ đó, hành vi này đã làm cho cơ quan, tổ chức suy yếu, mất uy tín. 
Bên cạnh đó, hành vi phạm tội này còn xâm phạm sở hữu công dân, tập thể. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản của người khác (của Nhà nước, tổ chức và cá nhân).
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, thể hiện ở người phạm tội thực hiện hành vi vượt quá hoặc không thuộc thẩm quyền theo luật định và chiếm đoạt tài sản của người khác. Căn cứ để xác định hành vi của một người có lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình hay không là các quy định của pháp luật về thẩm quyền của từng người với chức vụ cụ thể. Nếu pháp luật không quy định người ở chức vụ đó có quyền làm mà họ đã làm thì là “lạm dụng”.
Điều luật quy định hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Như vậy, trong thực tế hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản không cấu thành tội phạm này. Trong trường hợp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu Nhà nước sẽ cấu thành tội tham ô, nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức (không phải của Nhà nước) thì có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản (hay các tội phạm xâm phạm sở hữu tương ứng).
Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, hay đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương XXI Bộ luật hình sự mà còn vi phạm.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu một người có lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội phạm này.
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, người phạm tội đã sử dụng vượt quá mức so với chức vụ, quyền hạn được luật định để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy, tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt không thuộc quyền quản lý của họ. Nếu tài sản thuộc quyền quản lý của người phạm tội thì hành vi chiếm đoạt tài sản đó sẽ cấu thành tội tham ô tài sản.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm.
 - Khung 2: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 6 năm đến 13 năm:
+ Có tổ chức.
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm. ¾ Phạm tội nhiều lần.
+ Tái phạm nguy hiểm.
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Khung 3: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
- Khung 4: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây