Tội nhận hối lộ (Điều 279 Bộ luật hình sự)

Thứ ba - 03/06/2014 03:41
a. Định nghĩa
 
Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước,
tổ chức. Từ đó, hành vi này đã làm cho cơ quan, tổ chức suy yếu, mất uy tín. Đối tượng tác
động của tội phạm này là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Về tiền hoặc tài sản thì
không có vấn đề gì cần phải trao đổi nhưng đối với lợi ích vật chất khác ở đây được hiểu là
những cái mà họ được người đưa hối lộ lại là một lợi ích vật chất, nhưng lợi ích này không
tính ra tiền được hoặc chưa tính ra tiền. Ví dụ, hứa cho hưởng hoa lợi, hưởng lãi suất cao,
hứa cho đi du học… Các lợi ích này tuy là lợi ích vật chất nhưng lại không tính ra được bằng
một số tiền cụ thể, nó cũng không tồn tại dưới dạng tài sản cụ thể. Chính vì vậy, nhà làm luật
quy định lợi ích vật chất khác cũng là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội
phạm này trong tình hình hiện nay.
 
 
Điều luật quy định đối tượng tác động của tội phạm là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Vì vậy, nếu là lợi ích về mặt tinh thần hoặc tình cảm thì không thuộc đối tượng của tội phạm này. Ví dụ, hứa sẽ yêu hoặc cho quan hệ tình dục…thì không thuộc lợi ích vật chất.
 
- Khách quan:
+ Trước hết, hành vi khách quan của tội nhận hối lộ phải là hành vi lợi dụng chức vụ,
quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện thuận lợi để thực hiện tội
phạm. Nếu ở tội tham ô tài sản, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là để chiếm đoạt tài sản
do mình có trách nhiệm quản lý, thì ở tội nhận hối lộ người phạm tội lợi dụng chức vụ,
quyền hạn mà mình có để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ.
Có thể nói thủ đoạn của hai tội phạm này như nhau chỉ khác nhau ở mục đích thực hiện hành
vi.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của
người đưa hối lộ là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi nhận tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn
của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc nhận tiền,
tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ; chức vụ, quyền hạn là điều kiện
thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của
người đưa hối lộ một cách dễ dàng. Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ để nhận
tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ. Tuy
nhiên, nếu hành vi để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ do
người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của họ
thì dù họ có chức vụ, quyền hạn thì cũng không bị coi là nhận hối lộ.
 Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ:
+ Trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ không thông qua người khác như A đưa hối lộ cho B bằng cách trực tiếp cầm tiền giao cho B hoặc chuyển tiền vào tài khoản của B tại Ngân hàng.
+ Việc trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ,
thực tiễn không có vấn đề vướng mắc. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người trực tiếp
nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng người đưa tiền, tài sản
hoặc lợi ích vật chất khác lại không phải là người đưa hối lộ, cũng không phải là người môi
giới hối lộ nhưng người nhận tiền vẫn là người nhận hối lộ. Ví dụ, trong vụ án Tân Trường
Sanh, cán bộ Phòng chống buôn lậu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh mỗi lần nhận
“tiền thưởng” của người có trách nhiệm phát, họ chỉ biết đó là tiền do các chủ hàng “bồi
dưỡng” còn cụ thể tiền đó ai đưa, ai nhận họ không quan tâm. Mặc dù người phát tiền cho họ
không phải là người đưa hối lộ cũng không phải là người môi giới hối lộ, mà người đưa tiền
thực chất là người được phân công chia của hối lộ trong vụ án nhận hối lộ tập thể (có tổ
chức).
+ Qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ,
là trường hợp người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác
của người đưa hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua
nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của
người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ không nhất thiết phải
biết người đưa hối lộ là ai, chỉ cần biết đó là của hối lội là đã bị coi là đã nhận hối lộ, còn
nếu có căn cứ xác định người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng không biết
đó là của hối lộ thì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đó không bị coi là nhận
hối lộ.
Tuy nhiên, hiện nay thủ đoạn nhận hối lộ diễn ra rất phức tạp, thường thì người nhận hối lộ không trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ mà để cho người thân của mình như bố, mẹ, vợ, chồng, con... nhận. Có trường hợp người thân của người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thông qua việc giao dịch mua bán tài sản như người đưa hối lộ mua tài sản của gia đình người nhận hối lộ với giá gấp 5 gấp 10 lần giá trị thật của tài sản đó.
+ Để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Đây là một dấu hiệu rất quan trọng thuộc về mặt khách quan của tội phạm này và thực tiễn
khi xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có nhiều tranh chấp
về vấn đề này. Một số bị cáo thường viện dẫn rằng, cũng có làm một việc theo yêu cầu của
người đưa tiền nhưng vì việc làm này không trái pháp luật thì không cấu thành tội phạm.
Điều luật quy định làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ hoặc một
người khác mà người đưa hối lộ quan tâm (người đưa hối lộ yêu cầu). Vì thế, chỉ cần xác
định một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hoặc hứa đưa hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi
ích vật chất khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người
đưa hối lộ thì đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội phạm này, không cần xác định việc làm hoặc không làm đó có trái pháp luật không. Tuy nhiên trong thực tế việc làm hoặc không làm này thường trái pháp luật
Để làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là  hành vi của người nhận hối lộ đã
sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó,
mà việc đó có lợi cho chính người đưa hối lộ như: Thẩm phán nhận hối lộ của bị cáo để cho
bị cáo được hưởng án treo; Điều tra viên nhận hối lộ của bị can đang bị tạm giam để đề xuất
thay đổi biện pháp tạm giam thành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Kiểm sát viên nhận hối
lộ của bị can để ra quyết định đình chỉ điều tra; Thủ trưởng nhận hối lộ của cán bộ cấp dưới
để tăng lương, bổ nhiệm, đề bạt họ; Cán bộ của Bộ thương mại nhận hối lộ của doanh
nghiệp để cấp “quota” xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đó; cán bộ của Sở nhà đất hoặc Uỷ
ban nhân dân nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà,
…v.v… Có thể nói, trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể xảy ra việc đưa
và nhận hối lộ. Tuy nhiên, để phân biệt dấu hiệu này với các dấu hiệu khác, thì chỉ cần xem
người phạm tội làm một việc và việc đó đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ hay người khác
mà người đưa hối lộ thì quan tâm. Nếu người nhận hối lộ làm một việc vì lợi ích của chính
đáng người đưa hối lộ thì thuộc trường hợp phạm tội này, nếu người nhận hối lộ làm một
việc lại vì lợi ích của người khác không phải của người đưa hối lộ thì thuộc trường hợp “để
làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp người nhận hối lộ đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giải quyết cho người đưa hối lộ một việc nào đó, mà việc đó đem lại lợi ích cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm như: bố mẹ đưa hối lộ để xin học cho con; con đưa hối lộ chạy tội cho bố mẹ; vợ hoặc chồng đưa hối lộ để chạy tội cho chồng hoặc vợ; anh chị em đưa hối lộ để chạy tội cho nhau …. Có khi người đưa hối lộ chỉ yêu cầu người nhận hối lộ thi hành nhanh một quyết định của cơ quan, tổ chức có lợi ích cho người mà người đưa hối lộ quan tâm.
Không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ là trường hợp vì đã nhận hối lộ
nên người phạm tội không thực hiện một việc mà lẽ ra họ phải thực hiện và do không thực
hiện nhiệm vụ đó nên đã đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ. Ví dụ, không thi hành lệnh bắt
tạm giam, để người phạm tội bỏ trốn; không ra lệnh thi hành án phạt tù để người bị kết án bỏ
trốn hoặc hết thời hiệu thi hành án; không bắt người đang phá trại giam để bỏ trốn; không thi
hành lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng; không lập biên bản vi phạm trong trường hợp bắt
được hàng lậu, hàng cấm; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc không kết
án người có tội … Khoa học luật hình sự coi trường hợp phạm tội này là không hành động,
tức là không làm một việc mà pháp luật bắt người có chức vụ, quyền hạn phải làm.
Không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là trường hợp cũng tương tự như trường hợp không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ, chỉ khác ở chỗ: lợi ích mà người nhận hối lộ đem lại không phải cho người đưa hối lộ là cho người khác mà người đưa hối lộ quan tâm, có thể là những người thân của người đưa hối lộ nhưng cũng có thể chỉ là bạn bè của người đưa hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ để cấu thành tội phạm phải thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau:
- Nhận hối lộ có giá trị từ 500.000 đồng trở lên;
- Giá trị dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội được quy định từ Điều 278 đến Điều 284 Bộ luật hình sự mà vẫn còn vi phạm. Hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc lợi ích chính đáng của công dân (có thể là tính mạng, sức khoẻ, tài sản…) (đã đề cập ở một số điều luật).
Tội nhận hối lộ được coi là hoàn thành kể từ khi người phạm tội thỏa thuận được việc
nhận tiền và hứa sẽ làm hoặc không làm một việc thuộc thẩm quyền của mình theo yêu cầu
của người đưa hối lộ hoặc người thứ ba mà người đưa hối lộ quan tâm. Như vậy, nếu vì biết
ơn người có chức vụ, quyền hạn đã giải quyết công việc của mình nhiệt tình, hiệu quả mà
đối tượng được giải quyết đã chủ động “tạ ơn” (không có hứa hẹn trước) thì không có tội
nhận hối lộ xảy ra.
Đối với trường hợp người có chức vụ quyền hạn chủ động đòi hối lộ, tội phạm được
coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ đòi hỏi để làm hoặc không làm
một việc và người đưa hối lộ đã chấp nhận đề nghị đó. Trường hợp người có chức vụ quyền
hạn chỉ nhận những lợi ích tinh thần mà không nhận những lợi ích vật chất để làm hoặc
không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không cấu thành tội
nhận hối lộ.
 
 Tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ gây ảnh chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283) có điểm khác nhau sau đây: Người phạm tội nhận hối lộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tự mình làm hoặc không làm một việc (thuộc thẩm quyền của mình) có lợi cho người đưa hối lộ hoặc người thứ ba. Trong khi đó, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thúc đẩy người khác làm hoặc không làm một việc có lợi cho người có yêu cầu.
 
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ của người phạm tội là động cơ tư lợi với mục đích nhận hối lộ. Nếu không có mục đích này thì dù người phạm tội có làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu cầu của người khác cũng không cấu thành tội phạm này mà chỉ có thể cấu thành các tội phạm tương ứng với các hành vi làm trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn (nếu có).
- Chủ thể: là chủ thể đặc biệt - người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời chức vụ,
quyền hạn của chủ thể phải có liên quan đến việc giải quyết những yêu cầu của người đưa
hối lộ.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: nhận hối lộ không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ  2 năm đến 7 năm.
- Khung 2: nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức.
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là làm một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn mà mình có (vượt khỏi phạm vi quyền hạn của mình) như: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường ra lệnh bắt người tạm giữ hoặc tạm giam; trưởng Công an phường, xã bắt người tạm giữ để đòi hối lộ; cán bộ quản lý thị trường ra lệnh khám nhà, khám người…
Để lạm dụng chức vụ, quyền hạn, trước hết người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng vượt quá chức vụ, quyền hạn đã có. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn gì nhưng lại mạo danh là mình có chức vụ, quyền hạn đó để lấy của hối lộ thì không phải là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này chỉ lạm dụng quyền hạn, chứ ít
khi lạm dụng chức vụ. Tuy nhiên, quyền hạn bao giờ cũng gắn liền với chức vụ, nên khi nói
đến lạm dụng quyền cũng là lạm dụng chức vụ. Trước đây, thuật ngữ lợi dụng chức vụ,
quyền hạn và lạm dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu như nhau. Pháp lệnh trừng trị các tội
xâm phạm tài sản của công dân đã dùng thuật ngữ “lạm dụng chức quyền” để chỉ hành vi
phạm tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 8) và giải thích là :
“Lạm dụng chức quyền có thể là làm trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc vượt ra khỏi
phạm vị quyền hạn của mình”.
Quá trình phát triển của pháp luật hình sự và qua thực tiễn xét xử, các nhà làm luật
thấy cần thiết phải phân biệt hai thuật ngữ “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và “lợi dụng chức
vụ, quyền hạn”. Lạm dụng là có ít mà dùng nhiều, dùng quá mức, vượt ra khỏi phạm vi được
phép.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản Nhà nước.
Đây là một tình tiết thuộc chủ quan. Vì thế, để áp dụng tình tiết này, chúng ta cần chứng minh người phạm tội nhận thức được tài sản mà mình nhận là thuộc sở hữu Nhà nước. Nếu người phạm tội chỉ nghi ngờ đó là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước nhưng vẫn cứ nhận thì không áp dụng tình tiết này.
Trong thực tế, có những trường hợp tài sản vừa thuộc sở hữu Nhà nước vừa thuộc sở hữu tập thể (tài sản của công ty liên doanh, công ty cổ phần…). Những trường hợp này khá phức tạp và thường phát sinh nhiều quan điểm khác nhau khi xét xử. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vì đây là một tình tiết thuộc chủ quan cho nên chúng ta cần xác định thái độ chủ quan của người phạm tội. Nếu người phạm tội cho rằng đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước mà vẫn nhận thì cần áp dụng tình tiết này và ngược lại.
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu, hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Đòi hối lộ là chủ động yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản, hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào cho mình thì mới làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa (hoặc theo yêu cầu của người đưa). Thực tiễn xét xử cho thấy người nhận hối lộ không trực tiếp yêu cầu người khác phải đưa hối lộ nhưng lại có thủ đoạn gợi ý hoặc qua trung gian để gợi ý cho người khác đưa hối lộ cho mình. Trường hợp phạm tội này cũng phải coi là đòi hối lộ, thậm chí còn bị coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt để đòi hối lộ.
Sách nhiễu là trường hợp người nhận hối lộ gây khó dễ cho người khác để đòi tiền, tài
sản hoặc lợi ích vật chất khác của họ như: đã có quyết định cấp đất nhưng cố tình trì hoãn
việc giao quyết định cho người được giao đất; đã có chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng
nhưng cố tình trì hoãn việc thanh toán cho người được đền bù; đã có bản án có hiệu lực pháp
luật, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành nhưng cố tình trì hoãn việc ra
quyết định thi hành án… Nói chung người sách nhiễu để đòi hối lộ là người không làm một
việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nhận hối lộ sách
nhiễu để đòi hối lộ và làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Sách nhiễu là gây chuyện lôi thôi để đòi hối lộ, sách nhiễu vòi vĩnh để đòi của đút lót
là thói tham lam, xấu xa của bọn quan lại ngày xưa mà nhân dân ta thường lên án. Ngày nay
Đảng và Nhà nước ta cũng coi sách nhiễu là hành động tha hoá của một bộ phận công chức
trong bộ máy Nhà nước cần phải xử lý nghiêm khắc. Nhà làm luật coi tình tiết sách nhiễu để
đòi hối lộ là yếu tố định khung hình phạt cũng là phù hợp với đạo đức xã hội, thể hiện được
ý chí của nhân dân.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt để nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn dùng những cách thức, phương pháp thâm hiểm khiến cho người đưa hối lộ không thể tránh được việc đưa hối lộ, khó lường trước được để tránh. Chẳng hạn, nhận hối lộ nhưng buộc người đưa hối lộ phải viết giấy trả nợ, hợp đồng mua bán…
+ Của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
Hậu quả nghiêm trọng khác là những hậu quả phát sinh ngoài mong muốn của người phạm tội. Tuy nhiên, những hậu quả này đều do hành vi nhận hối lộ mà ra (đã bàn ở những tội phạm trước).
- Khung 3: nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
- Khung 4: nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
+Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
 
 
Theo Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP (15/3/2001) của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ và điểm a khoản 4 Điều 289 BLHS về tội đưa hối lộ cần chú ý:
1) Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:
a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;
 b. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ
đồng.
c. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
2) Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 1) như sau:
a. Xử phạt tù từ mười lăm năm (đối với tội nhận hối lộ) hoặc từ mười ba năm (đối với tội đưa
hối lộ) đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu
đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);
b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ
đồng;
c. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
3) Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 1) như sau:
a. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng;
b. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.
4) Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 1) và 3) thì người phạm tội nhận hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội nhận hối lộ đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã nộp thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào giá trị của hối lộ nộp lại mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ nếu:
a. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được ít nhất một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận;
b. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tôi) đã thực hiện mọi biện pháp để nộp lại giá trị của hối lộ đã nhận (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
5) Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 1) và 3) thì người phạm tội đưa hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người đưa hối lộ bị ép buộc hoặc không bị ép buộc mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS.
 
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị tài sản nhận hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 
 Tags: toi nhan hoi lo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây