Tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 03:41
a. Định nghĩa: Xâm phạm chỗ ở của công dân là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nơi sinh sống của công dân.
- Khách quan: 
Người phạm tội thực hiện một trong ba loại hành vi, đó là: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ; những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
- Khám xét chỗ ở trái pháp luật là vào nhà của công dân lục soát nhằm tìm chứng cứ cho vụ án nào đó hoặc mục đích khác nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật (có thể dựa vào Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự hoặc Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để xác định hành vi khám xét là trái pháp luật hay không). Thực tế, nếu vì mục đích bảo vệ pháp luật mà có hành vi khám xét chỗ ở của người khác không tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hoặc pháp luật hành chính thì có thể chỉ bị xử lý kỷ luật chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Hành vi đuổi công dân ra khỏi chỗ ở của họ (bất kể có cung cấp chỗ ở mới hay không) mà không theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như cưỡng chế thi hành án) sẽ cấu thành tội phạm này.
- Ngoài ra, tất cả những hành vi khác nhằm lấn chiếm chỗ ở của công dân (lợi dụng chủ nhà đi vắng, khoá cửa nhà chiếm hữu…) cũng là hành vi khách quan cấu thành tội phạm này (nếu chiếm hữu, buộc chủ sở hữu làm giấy sang tên sở hữu…cấu thành tội phạm xâm phạm sở hữu).
Điều luật quy định nhiều hành vi khách quan nhưng chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được mô tả thì có thể xác định người phạm tội về tội xâm phạm chỗ ở.
Chỗ ở của công dân là nơi đang có người ở hợp pháp (không kể thường trú hay tạm trú, không kể là nơi cố định hay di động). Đây có thể là nhà ở, ký túc xá, thuyền bè, túp lều, gầm cầu…Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi kể trên. 
- Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Mục đích không là dấu hiệu bắt buộc. Nếu hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác vì sai thủ tục tố tụng thì chỉ xử lý hành chính. Động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, trong thực tiễn, những người thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở vì động cơ cá nhân hoặc những động cơ khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vì lợi ích chung, người xâm phạm chỗ ở chỉ có thể bị xử lý hành chính.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định (người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội này).
 c. Hình phạt chia làm 2 khung:
 
- Khung 1: hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân không có các tình tiết định khung tăng nặng nói tại khoản 2 Điều này, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
- Khung 2: xâm phạm chỗ ở của công dân thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
¾ Có tổ chức.
 ¾ Lợi dụng chức vụ quyền hạn.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp này có thể là hậu quả chết người ngoài ý muốn của người phạm tội, thương tích tỷ lệ từ 41% trở lên, thiệt hại tài sản từ 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, các hậu quả khác cũng có thể được tính, như: chủ chỗ ở phải đi lang thang, bỏ họ, bỏ việc, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội, uy tín của Nhà nước…
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây