Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 200 Bộ luật hình sự)

Thứ tư - 04/06/2014 04:18
a. Định nghĩa
 
Cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi dùng vũ lực,
đe doạ dùng vũ lực nhằm buộc người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, hoặc dụ dỗ, mua
chuộc hay bất kỳ hình thức nào nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về sử dụng chất ma tuý. Đối tượng tác động của tội phạm này là người sử dụng chất ma tuý.
- Khách quan:
Người phạm tội có một trong các hành vi sau:
+ Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma tuý trái với ý muốn của họ.
+ Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý.
Các hành vi trên cấu thành tội phạm khi người phạm tội thực hiện hành vi, không cần dấu hiệu  hậu quả.
- Chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm
tội là mong muốn người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, là dấu hiệu bắt buộc. Vì thế, để
định tội, chúng ta cần chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích này.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
 
c. Hình phạt chia làm 4 khung:
 
- Khung 1: cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
 Khung 2: cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức.
+ Phạm tội nhiều lần.
+ Vì động cơ đê hèn.
Vì động cơ đê hèn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 200 của BLHS là vì động cơ trả
thù hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác. Động cơ đê hèn là một tình tiết thuộc mặt
khách quan, rất khó xác định. Vì thế, khi người phạm tội không khai thật, chúng ta cần đánh
giá tất cả các tình tiết thuộc mặt khách quan để chứng minh cho yếu tố chủ quan này.
+ Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên.
+ Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai.
+ Đối với nhiều người.
+ Đối với người đang cai nghiện.
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31%-60%.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác.
Gây bệnh nguy hiểm cho người khác quy định tại điểm i khoản 2 Điều 200 của BLHS
là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra cho người bị cưỡng
bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma tuý một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan
B, lao…
 
 Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma tuý thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 200 của BLHS, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 117 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 118 của BLHS.
 
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61%trở lên hoặc gây chết người.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người.
+ Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
- Khung 4: cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
 
 Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại khoản 4 Điều 200 của BLHS là gây hậu quả chết một người đồng thời gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người hoặc gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, xã hội (như gây khó khăn, cản trở việc cai nghiện ma tuý, nguy dư luận bất bình, làm quần chúng hoang mang, lo sợ v.v…).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây