b. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản. Quan hệ nhân thân không là mục đích mà người phạm tội muốn xâm hại nhưng khi thực hiện hành vi, người phạm tội ý thức được rằng, để cướp giật được tài sản, hậu quả về nhân thân của nạn nhân là khó tránh khỏi. Vì thế, hầu hết các luật gia đều cho rằng, quan hệ nhân thân cũng là khách thể trực tiếp của tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quan hệ nhân thân không là khách thể trực tiếp của tội phạm này. Bằng không, chúng ta rất khó phân biệt giữa tội phạm này với tội cướp tài sản. Ngoài ra, tội phạm này còn gián tiếp tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản mà người phạm tội muốn cướp giật.
- Khách quan:
Người phạm tội có hành vi lợi dụng sơ hở, đoạt lấy tài sản đang do người khác quản lý rồi nhanh chóng tẩu thoát nhằm tránh sự đuổi bắt của người quản lý tài sản. Đặc trưng của tội phạm này là công khai chiếm đoạt tài sản (không lén lút, để phân biệt với tội trộm tài sản), không dùng bạo lực (phân biệt với tội cướp tài sản), không dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần (cưỡng đoạt tài sản)… Cũng xem là hành vi cướp giật khi người phạm tội có tác động nhẹ vào người nạn nhân (không đáng kể, không nhằm làm mất đi sự phản kháng của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản) và giật tài sản. Đối tượng của hành vi cướp giật thường là những loại tài sản gọn nhẹ, như: đồng hồ, dây chuyền, hoa tai, túi xách…, cá biệt có thể là xe đạp, xe gắn máy.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội giật tài sản khỏi nơi giữ của nạn nhân, không kể sau đó có chiếm luôn được không.
- Chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích vụ lợi (nhằm chiếm đoạt tài sản) là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Mục đích này chỉ có thể hình thành trước khi hành vi cướp giật diễn ra.
- Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3 và 4 Điều này.
c. Hình phạt chia thành 4 khung:
- Khung 1: cướp giật tài sản không có các tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Khung 2: cướp giật tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
¾ Có tổ chức.
¾ Có tính chất chuyên nghiệp.
¾ Tái phạm nguy hiểm.
¾ Dùng thủ đoạn nguy hiểm.
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
¾ Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung 3: cướp giật tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. ¾ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: cướp tài sản thuộc một trong các trường hợp sau, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
¾ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.
¾ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. ¾ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Với các tình tiết định khung trên đây, chúng ta có thể tham khảo nội dung phân tích ở những phần trước của bài này.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Chúng tôi trên mạng xã hội