Tội không chấp hành án (Điều 304 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:40
a. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến tính nghiêm minh của pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (người được thi hành án).
Đối tượng của tội phạm này là bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. 
Bản án và quyết định của toà án là kết quả của hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án. Nhưng đó chưa phải là kết quả cuối cùng của hoạt động tư pháp. Bản án cũng như quyết định của toà án chỉ có ý nghĩa thực sự khi được chấp hành. Hành vi cố ý không chấp hành bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật không chỉ trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan thi hành án mà còn vô hiệu hoá kết quả của các hoạt động tư pháp đã được thực hiện.
- Khách quan: tội không chấp hành án là tội phạm có CTTP hình thức. Mặt khách quan của tội này chỉ đòi hỏi có dấu hiệu hành vi dưới hình thức “không hành động”. Đó là hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, tội phạm này cũng có thể được thực hiện bằng hành động như tẩu tán tài sản.
Bản án cũng như quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật là cơ sở pháp lý làm phát sinh những nghĩa vụ pháp lý cho chủ thể nhất định. Nếu chủ thể này có điều kiện mà không thực hiện những nghĩa vụ đó thì có đủ cơ sở buộc họ phải chịu TNHS về hành vi không hành động (không chấp hành) của mình.
Bản án cũng như quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật có thể ở các lĩnh vực khác nhau thuộc thẩm quyền xét xử của các toà án như lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính.
Người không chấp hành bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật
phải chịu trách nhiệm hình sự nếu việc không thực hiện đó còn xảy ra sau khi đã bị áp dụng
biện pháp cưỡng chế cần thiết. Điều đó có nghĩa, trong trường hợp không chấp hành bản án
hoặc quyết định của toà án trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành chưa bị coi
là phạm tội này. Biện pháp cưỡng chế cần thiết là những biện pháp do Nhà nước áp dụng nhằm đảm bảo cho việc thi hành án nghiêm túc (kê biên tài sản, niêm phong tài sản, phạt hành chính…). Mặt khác, dù điều luật không quy định dấu hiệu “có điều kiện chấp hành án” mà vẫn cố ý không chấp hành thì mới cấu thành tội phạm, nhưng đây là một trong những dạng “không hành động phạm tội”, cho nên, chúng ta phải hiểu là dấu hiệu này mang tính bắt buộc đối với tội phạm này.
 
 
Biện pháp cưỡng chế cần thiết ở đây có thể bao gồm cả hành vi kê biên, niêm phong tài sản. Tuy nhiên, nếu người phải chấp hành án đồng thời được giao quản lý tài sản kê biên, niêm phong mà có hành vi vi phạm quy định về kê biên, niêm phong tài sản (Điều 310) để không chấp hành án thì còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm này.
 
Tóm lại, mặt khách quan của tội này phải đảm bảo các dấu hiệu sau mới cấu thành tội
phạm:
+ Đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết;
+ Có điều kiện chấp hành bản án, quyết định của Toà án;
+ Không chấp hành bản án, quyết định của Toà án.
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết mình có nghĩa vụ
phải chấp hành bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Họ cũng biết đã
có biện pháp cưỡng chế cần thiết được áp dụng để buộc họ phải chấp hành án hoặc quyết
định đó trong khi có điều kiện để chấp hành. Trong thực tế, người phạm tội có thể có những
động cơ thúc đẩy khác nhau nhưng động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.
- Chủ thể: chủ thể của tội này là người có nghĩa vụ chấp hành các bản án hoặc quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Họ có thể là bị cáo trong vụ án hình sự, hoặc là đương sự của vụ án dân sự, hôn nhân gia đình...v.v…
 
b. Hình phạt:
 
Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây