Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (Điều 307 Bộ luật hình sự)

Thứ hai - 02/06/2014 04:55
a. Định nghĩa
 
Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật là hành vi cố ý kết luận sai của người giám định, cố ý dịch sai của người phiên dịch hoặc là hành vi cố ý khai sai, cung cấp những tài liệu sai sự thật của người làm chứng. 
b. Dấu hiệu pháp lý
 
- Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước (gây trở ngại cho công tác điều tra, truy tố, xét xử). Đối tượng tác động của tội phạm này có thể là kết luận giám định, lời dịch, lời khai, tài liệu.
- Khách quan: hành vi khách quan của tội này có thể là một trong các dạng hành vi sau, tuỳ thuộc vào địa vị pháp lý của chủ thể:
+ Đưa ra kết luận giám định sai (đối với chủ thể là người giám định). Kết luận giám định là loại phương tiện chứng minh quan trọng, có thể giúp các cơ quan tư pháp giải quyết được vụ án. Kết luận giám định sai là kết luận giám định không phản ánh đúng thực tế khách quan. Với kết luận giám định sai, cơ quan tư pháp không có đủ điều kiện cần thiết để có giải quyết được đúng đắn vụ án. Hành vi đưa ra kết luận giám định sai có thể là hành vi của cá nhân nhưng cũng có thể là của tập thể nhiều giám định viên.
+ Dịch sai (đối với chủ thể là người phiên dịch). Trong các quá trình tố tụng có thể không sử dụng được tiếng Việt thì phiên dịch là yêu cầu cần thiết. Để có thể giải quyết đúng đắn vụ án trong những trường hợp như vậy thì việc phiên dịch là điều kiện cần phải có.
Hành vi phiên dịch sai là hành vi chuyển sai nội dung của những điều phải dịch từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt hoặc ngược lại (phiên dịch cho người câm, điếc cũng được xem là một dạng phiên dịch).
+ Khai sai hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (đối với chủ thể là người làm chứng). Lời khai của người làm chứng cũng như tài liệu mà họ cung cấp có tính chất là phương tiện chứng minh được cơ quan tư pháp sử dụng để chứng minh, giải quyết vụ án. Lời khai sai, tài liệu sai sự thật là lời khai, tài liệu không phản ánh đúng thực tế khách quan. Với việc sử dụng lời khai sai, tài liệu sai cơ quan tư pháp có thể đi đến những kết luận sai, giải quyết vụ án không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho các tổ chức hoặc công dân.
- Chủ quan: lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội khi thực hiện hành vi biết rõ (tuỳ vào vai trò của chủ thể):
+ Kết luận giám định là sai;
+ Nội dung dịch là sai;
+ Lời khai là sai;
+ Tài liệu cung cấp là sai;
Nội dung sai nói trong điều luật này có thể là sai một phần hoặc sai toàn bộ.
Động cơ, mục đích của việc thực hiện những hành vi cố ý nói trên có thể khác nhau. Nhưng động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu định tội.
- Chủ thể: chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng, người giữ tài liệu liên quan đến vụ án. Họ là người được các cơ quan tư pháp triệu tập, để thực hiện các yêu cầu giám định, phiên dịch hoặc làm chứng khi giải quyết vụ án. Địa vị pháp lý của những người này được xác định trong các văn bản pháp luật về tố tụng trong từng lĩnh vực cụ thể.
 
 Trong thực tế, có một số trường hợp một người nhận tội thay cho người khác sau khi đã được người phạm tội thật mua chuộc hoặc cưỡng ép. Tuy nhiên, hành vi khai sai sự thật của người này không được xem là hành vi khách quan của tội khai báo gian dối vì dấu hiệu chủ thể không thỏa mãn.
Ví dụ, Lợi đi xe gây tai nạn làm chết người nhưng không bị ai phát hiện, quăng xe bỏ chạy. Lợi đã nhờ Hận ra nhận tội thay. Vì chịu ơn của Lợi nên Hận đã nhận lời và bị Toà án tuyên phạt tù. Sau đó, sự việc bị phát hiện. Tuy nhiên, hành vi của Hận không bị xem là phạm tội khai báo gian dối.
 
c. Hình phạt
 
- Khung 1: người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến  một  năm.
- Khung 2: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba  năm:
+ Có tổ chức.
+Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Khung 3: phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Chat Facebook
Chat Zalo
0978845617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây